Thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar tại 5 tỉnh, thành
(Dân trí) - Hôm nay (26/1), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kế nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar), 5 tỉnh và thành phố áp dụng thí điểm là: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
Đề án Grabcar được triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm mục tiêu đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động của mình.
Công tác thí điểm sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Đơn vị tham gia thí điểm có Công ty TNHH GrabTaxi, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng.
Theo Bộ GTVT, cho đến nay Công ty TNHH GrabTaxi, với ứng dụng GrabCar là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối đầu tiên và duy nhất được công nhận đủ điều kiện thực hiện Đề án. Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng Đề án trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị triển khai thí điểm, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải chính là giúp kết nối khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng xe chạy rỗng, giảm ùn tắc giao thông đồng thời cơ quan quản lý có thể giám sát được hoạt động của xe. Có những vấn đề sẽ phát sinh khi thực hiện trong thực tế và chúng ta sẽ nghiên cứu điều chỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho hay: Vận tải hành khách cạnh tranh rất quyết liệt đòi hỏi chất lượng phục vụ phải tốt, có sự hài lòng của người sử dụng. Việc quản lý xe hợp đồng sẽ giúp khắc phục những tồn tại hiện nay như vấn đề chất lượng, an toàn, cũng như bảo vệ tài sản của người sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết Cục này sẽ có chỉ đạo 5 Phòng Cảnh sát giao thông ở những nơi có thực hiện thí điểm tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ. Dù là thực hiện thí điểm nhưng nếu lái xe vi phạm các quy định về Luật giao thông thì vẫn bị xử phạt bình đẳng như bình thường.
Trước câu hỏi nếu có đơn vị kinh doanh khác muốn tham gia sân chơi này thì có được thí điểm hay không? Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay: Vấn đề ở đây là ứng dụng công nghệ thông tin vào vận tải hành khách và GrabTaxi có công nghệ để đưa vào quản lý và vận hành. Các đơn vị khác đáp ứng đầy đủ điều kiện như thế thì có thể đề xuất lên Bộ để đăng ký tham gia thí điểm. Quan điểm của Bộ GTVT là đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào ứng dụng hiệu quả trong hoạt động vận tải.
Chỉ đạo thực hiện thí điểm Đề án này, Thứ trưởng Thọ yêu cầu các đơn vị khi tổ chức triển khai, các Sở GTVT và các cơ quan tham mưu của Bộ phải tính toán và kiến nghị, đề xuất kịp thời. Nếu được nhân dân ủng hộ, đề án hiệu quả thì phải đề xuất rút ngắn thời gian thí điểm và nhân rộng.
C.N.Q