1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Thí điểm 2 năm, thay thế mô hình 20 năm

(Dân trí) - Việc thí điểm bỏ HĐND cấp trung gian khiến cấp tỉnh “ngập” việc… nghe báo cáo, Hà Nội thời gian tới với hơn 200/557 xã, phường không có HĐND sẽ ra sao… Nhiều băn khoăn đặt ra trong buổi thảo luận tổ về đề án thí điểm này nhưng không tìm được phúc đáp.

Tại đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu tỏ ý lo ngại về đề án thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường và người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh nhẩm tính và thoáng cau mày, phạm vi thí điểm quá rộng trong khi thời gian lại quá ngắn. 2 năm có đủ để làm gì trong khi để kiểm chứng mô hình tổ chức chính quyền như hiện nay phải mất hơn 20 năm. Bà Thanh đề nghị rút phạm vi thí điểm từ 10 xuống khoảng 5 - 6 tỉnh thành.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền lại yêu cầu được lý giải cặn kẽ về mối quan hệ giữa HĐND cấp tỉnh với các cơ quan tư pháp cấp quận, huyện khi HĐND cấp này đã bỏ. “Ngần ấy cơ quan tư pháp cấp quận, huyện mà báo cáo trực tiếp với HĐND tỉnh thì chỉ ăn với ngồi… nghe, cả năm cũng không hết” - ông Quyền nói "trào lộng".

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc thì khoát tay: “Không thể tưởng tượng được, trong số 557 xã, phường của Hà Nội thời gian tới có đến hơn 200 đơn vị không có HĐND”.

Bà Ngọc cho rằng, xác định bỏ HĐND mang tính chất trung gian nhưng lý do không thuyết phục. Bộ máy của HĐND rất ít vì hầu hết đại biểu là kiêm nhiệm nên không thể nói bỏ để tinh giản biên chế. Trong khi bỏ đi thì chức năng, công việc của cơ quan này không biết giao lại cho ai.

Hầu hết các đại biểu đều yêu cầu, đơn vị lập đề án phải nghiên cứu kỹ hơn, có tổng kết, đánh giá hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở suốt thời gian qua và thu hẹp phạm vi thí điểm.

Về vấn đề dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã, các đại biểu cũng cho rằng vẫn có độ “chênh” với các luật, quy định hiện hành. Theo đề án, ứng viên Chủ tịch xã tuổi đời không quá 50, trong trường hợp đặc biệt thì không quá 55 trong khi luật cán bộ công chức quy định người được bổ nhiệm không quá 35 tuổi.

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng việc này sẽ rất phức tạp vì chỉ là bầu đại biểu HĐND xã thôi, dòng họ nào có người trúng cử đã căng bạt ăn mừng, đừng nói tới trúng chức Chủ tịch xã. Ông Hà tỏ ý e ngại, dòng họ nào lớn trong thôn, xã thì người trong họ đó sẽ làm chủ tịch xã mãi.

Vấn đề kinh phí hoạt động cho đề án thí điểm cũng vấp nghi ngại khi các đại biểu cho rằng, chuyện cơm áo thực tế này không được đề cập. Mở rộng Hà Nội, riêng chuyện thay đổi con dấu đã ngốn một khoản kinh phí không nhỏ. Vậy mà thí điểm áp dụng cả nước như này lại bỏ qua - đại biểu Ngô Anh Dũng phàn nàn.

Đại biểu Dũng thẳng thắn, QH cần biết việc chi tiêu cho đề án có xứng đáng để quyết?

P.Thảo