Thanh Hóa:
Thi công quốc lộ vùi lấp kênh: "Giờ không phải lúc đổ lỗi"
(Dân trí) - "Bây giờ không phải lúc nói đến trách nhiệm hay bên nào đổ lỗi cho bên nào, dân không có nước tưới là mình có lỗi rồi. Ban hay huyện cũng phải làm cho dân, không để dân thiệt thòi được!".
Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng nhà thầu thi công quốc lộ 15 vùi lấp kênh mương dẫn nước tưới trên địa bàn thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, ngày 19/1, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, UBND huyện Ngọc Lặc và nhà thầu thi công đã có mặt tại hiện trường khảo sát, tìm giải pháp khắc phục.
Tại thời điểm ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra vào sáng ngày 19/1, nhiều đoạn kênh mương bị vùi lấp vẫn chưa được khơi thông, hàng chục ha đất ruộng của người dân vẫn chưa có nước tưới.
"Người dân chúng tôi ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, không làm ruộng thì không còn biết làm nghề gì khác cả. Hiện chúng tôi đã làm mạ, dự kiến một tuần nữa sẽ cấy nhưng đến bây giờ vẫn không có nước vào ruộng. Đề nghị các cấp thẩm quyền nhanh chóng có giải pháp để cấp nước cho dân", bà Phạm Thị Lý, phố Tran, thị trấn Ngọc Lặc bức xúc.
Trước thực trạng trên, đến trưa ngày 19/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, UBND huyện Ngọc Lặc và nhà thầu thi công đã thống nhất đào đoạn mương tạm tại vị trí khác để dẫn nước phục vụ sản xuất cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đoàn Khả Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa cho biết: Sau khi nhận được văn bản của UBND huyện Ngọc Lặc, Ban đã chỉ đạo tổ tư vấn giám sát hiện trường rà soát lại toàn bộ sự việc xảy ra theo văn bản của huyện. Sau khi rà soát, Ban có văn bản làm rõ trách nhiệm thuộc về Ban, huyện Ngọc Lặc và nhà thầu.
Cũng theo ông Phú, hệ thống mương nằm trong phạm vi phần nền đường huyện Ngọc Lặc bàn giao cho ban. Trên cơ sở phạm vi UBND huyện Ngọc Lặc bàn giao, ban bàn giao cho nhà thầu thi công. Trong quá trình thi công đã làm vùi lấp mương, việc hoàn trả lại mương là trách nhiệm thuộc về UBND huyện Ngọc Lặc, không phải trách nhiệm của nhà thầu hay chủ đầu tư.
"Tuy nhiên, chưa biết ai đúng ai sai, không có nước tưới cho dân, việc cấp bách trước mắt để cung cấp nước tưới kịp thời cho bà con, Ban 2 đã chỉ đạo đơn vị thi công chủ động khắc phục tạm thời", ông Phú cho biết.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Ngọc Lặc cho biết: Liên quan đến vấn đề trên, sau khi nắm được thông tin, ông đã đi kiểm tra hiện trường.
"Bây giờ ai cũng phải có trách nhiệm, cách gì thì cách, phần khắc phục được là phải khắc phục cho bà con cấy trước. Huyện sẽ có đề xuất để chủ đầu tư phải hoàn trả lại kênh mương. Bây giờ không phải lúc nói đến trách nhiệm hay bên nào đổ lỗi cho bên nào, dân không có nước tưới là mình có lỗi rồi. Ban hay huyện cũng phải làm cho dân, không để dân thiệt thòi được. Bởi vì việc này do mình chưa sát, từ việc lập kế hoạch đầu tư, đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đến việc chủ đầu tư xây dựng…", ông Đạt cho biết.
Cũng theo ông Đạt, quan điểm của huyện là không để dân thiệt, toàn bộ diện tích có thể điều chỉnh nguồn nước gieo cấy được thì phải phục hồi kênh mương sớm. Đối với phần làm kênh, UBND huyện sẽ lập dự án mới giải phóng mặt bằng để làm mương.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, việc thi công công trình nâng cấp quốc lộ 15, đoạn qua huyện Ngọc Lặc đã vùi lấp 1,2km kênh mương tưới tiêu, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2020 - 2021 của người dân địa phương.
Tình trạng trên gây ảnh hưởng đến việc không có nước để giải phóng 24,11 ha diện tích trồng lúa nước và nước sinh hoạt của hơn 400 hộ dân sinh sống trong khu vực.
UBND huyện Ngọc Lặc đề nghị Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa và Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa chỉ đạo nhà thầu khắc phục các đoạn kênh mương bị vùi lấp, đảm bảo nước tưới cho khu vực đất sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp không kịp thời khắc phục dẫn đến việc sản xuất vụ Đông - Xuân không thực hiện đúng lịch thời vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của dân, đề nghị hỗ trợ thiệt hại (nếu có) theo quy định.