Theo sát tình hình thuỷ điện trên dòng Mê Kông, ứng phó với bất thường
(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ VII Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH). Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, kiểm soát nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông là những chương trình lớn được nhắc tới.
Vấn đề BĐKH là vấn đề toàn cầu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, từ đầu năm 2012, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về BĐKH để tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về BĐKH; chỉ đạo, điều phối thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về BĐKH.
Nhờ đó, công tác ứng phó với BĐKH đã có chuyển biến tích cực, công tác cảnh báo, dự báo thiên tai được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bước đầu hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động ứng phó với BĐKH vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Một số chính sách về BĐKH chưa thực sự đi vào cuộc sống; dự báo về xu hướng, diễn biến tiêu cực của BĐKH chưa đúng mức, nhất là xu hướng thời tiết bất thường, cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH. Mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng do tác động của BĐKH để chủ động thích nghi, điều chỉnh, sống chung với BĐKH.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan chủ động rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nhiệm vụ ứng phó BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon. Tập trung hoạt động ứng phó đa mục tiêu, đạt hiệu quả chi phí lợi ích; xây dựng cơ chế, thể chế ứng phó liên vùng, liên ngành, triển khai các dự án ứng phó với BĐKH có tính liên ngành, liên vùng. Chú trọng bảo vệ phát triển rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trao đổi, hợp tác trên dòng Mê Kông – phải đảm bảo lợi ích quốc gia
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương sớm hoàn thiện cập nhật, công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng đến cấp xã trên cả nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020 để tập trung nguồn lực, ứng phó hiệu quả với BĐKH, hướng đến phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư ứng phó với BĐKH, trọng tâm là: bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng, nâng cấp, các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; củng cố, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông ở những khu vực xung yếu có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân; chống ngập úng các thành phố lớn; triển khai các dự án tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình thực hiện COP21; trước mắt, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định danh mục dự án cấp bách trong các lĩnh vực trên, đồng thời đề xuất nguồn vốn để thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch cấp nước sinh hoạt,… ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để chủ động ứng phó với BĐKH, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời rà soát việc thực hiện các chương trình, đề án trồng rừng phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế bền vững, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả vấn đề này.
Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, trao đổi với các nước, các tổ chức, đề xuất phương thức phù hợp để quản lý, khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước đối với các dòng sông xuyên quốc gia, đặc biệt là đối với sông Mê Kông, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế; chủ động theo dõi sát tình hình, đánh giá cụ thể tác động của các dự án chuyển nước, dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông để kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng có giải pháp ứng phó phù hợp.
P.Thảo