Theo chân các Mạnh Thường Quân đi "săn vàng" cho vùng hạn mặn
(Dân trí) - Mỗi ngày, chiếc sà lan di chuyển hơn 60km mang 1.200m3 nước ngọt để hỗ trợ nông dân cứu vườn sầu riêng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn ở miền Tây.
Từ đầu năm đến nay, hàng ngàn héc-ta lúa và hoa màu ở miền Tây bị khô héo do thiếu nước, ảnh hưởng từ việc xâm nhập mặn. Chính phủ và các tỉnh bị hạn mặn như Long An, Bến Tre, Tiền Giang... cũng tích cực tìm nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho người dân tại các vùng hạn mặn.
Các chuyến xe chở nước miễn phí liên tục đổ về các tỉnh miền Tây để hỗ trợ người dân thời gian qua.
Tuy nhiên, số nước này cũng chỉ đáp ứng được 1 phần nhu cầu nước sinh hoạt của người dân vùng hạn mặn. Còn ruộng vườn, cây ăn trái vẫn đang chết dần chết mòn vì thiếu nước, nước mặn...
Từ thực tế này, một nhóm Mạnh Thường Quân đã nảy ra ý tưởng áp dụng hình thức vận chuyển nước bằng sà lan để "cứu" hàng trăm héc-ta sầu riêng tại Tiền Giang.
So với việc chứa nước trong các bồn rồi vận chuyển bằng xe tải, ba gác thì hình thức chở nước bằng sà lan có ưu thế hơn vì khối lượng nước 1 lần chở rất lớn. Tuy vậy, đây là hình thức khá tốn kém và công phu.
Theo chân một sà lan chở nước miễn phí, PV cùng các Mạnh Thường Quân đã có một ngày ngược dòng sông Tiền (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đến khu vực dưới chân cầu Mỹ Thuận để tìm nguồn nước ngọt. Trên đường đi, họ liên tục thử nước để tìm hiểu độ mặn, từ đó tìm ra khu vực có nước ngọt.
Sau khoảng 3 giờ di chuyển với chiều dài khoảng 30km, sà lan dừng chân tại khu vực cách cầu Mỹ Thuận khoảng 2km vì nước ở đây không còn tình trạng xâm nhập mặn, nước trong và sạch.
Việc hút nước lên sà lan 1.200m3 nước cũng khá vất vả và tốn thời gian, mất gần 2 giờ.
Xuôi dòng sông Tiền, chúng tôi lại di chuyển về khu vực huyện Cai Lậy để đưa nước đến với những vườn sầu riêng đang thiếu nước trầm trọng.
Để thực hiện được việc đưa các sà lan nước đến với người dân, hàng chục Mạnh Thường Quân đã đứng lên kêu gọi bạn bè chung tay ủng hộ. Chủ sà lan hỗ trợ sà lan, các tài công xung phong lái tàu không lương, những người khác ủng hộ tiền dầu máy và các chi phí phát sinh.
"Tôi làm nghề lái tàu cũng hơn chục năm nay. Vừa qua, được sự kêu gọi của anh em, bạn bè nên tôi từ Cần Thơ qua đây (Tiền Giang) hỗ trợ anh em lái sà lan đi lấy nước về cho người dân. Mình đi như vầy có khi nửa tháng, 1 tháng mới về, vợ con cũng buồn nhưng thôi, giúp được người dân việc gì thì mình giúp việc đó. Mình cũng xuất thân là nông dân nên thấy ruộng lúa, hoa màu khô héo thì thương nông dân lắm", tài công Trương Thanh Sơn (32 tuổi) chia sẻ.
Dự kiến, sà lan sẽ tiếp tục hoạt động cấp nước cho các vườn hoa màu tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre... trong khoảng 30 ngày. Nếu huy động được thêm kinh phí, hoạt động thiện nguyện này sẽ duy trì đến khi các sông không còn hạn mặn, số lượng sà lan cũng có thể tăng lên 3 hoặc 5 chiếc.
"Tuần trước mình và một số bạn bè có đi khảo sát tình hình hạn mặn tại các tỉnh miền Tây. Mình nhận thấy hạn mặn đang diễn ra khá nghiêm trọng và rất nhiều vườn hoa màu thiếu nước tưới tiêu. Nếu tình trạng này kéo dài thì hàng ngàn héc-ta hoa màu sẽ chết khô, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do vậy, mình đứng ra kêu gọi bạn bè chung tay cùng mình để góp phần nhỏ vào việc đẩy lùi hạn mặn, giúp người dân đỡ khổ hơn", bà Phương Dung trao đổi.
Ghi nhận tại các vườn sầu riêng được hỗ trợ nước, nông dân đều vui vẻ và liên tục cám ơn các Mạnh Thường Quân. Đối với người dân sống bằng nghề trồng trọt, lúc này nước ngọt là thứ quý giá nhất, nếu không có nước, các nhà vườn chắc chắn sẽ trắng tay trong mùa vụ này. Nhiều người dân phải đi mua nước ngọt với giá 20.000 - 50.000 đồng/m2 về tưới cây. Mỗi sà lan chở 1.200m3 nước có thể bán được từ 22 - 60 triệu đồng.
"Giờ nước ngọt quý như vàng, quý từng giọt. Năm nay mưa đến chậm, xâm nhập mặn lại nhiều nên người dân không dám bơm nước sông vào tưới cây. Nước mặn tưới cây cây sẽ nhanh khô héo hơn. Tôi xin cảm ơn các mạnh thường quân và mong nhận được nhiều nước hơn nữa để phục vụ việc tưới cho vườn cây của gia đình", bà Huỳnh Thu An (ngụ Tiền Giang) tâm sự.
Trước khi chở nước miễn phí cho người dân, nhóm Mạnh Thường Quân trên cũng đã tổ chức phát gạo cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn