Đà Nẵng:
Thêm thông tin thú vị về 6 giếng vuông 300 năm tuổi
(Dân trí) - Như đã thông tin, làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có đến 6 giếng cổ hình vuông trên dưới 300 tuổi. Để độc giả biết thêm về 6 giếng cổ này, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin thú vị về những chiếc giếng này.
Trong số 6 giếng vuông cổ có 2 giếng đã bị lấp khi mở QL1A (nay là đường Nguyễn Lương Bằng). 4 cái còn lại vẫn nguyên vẹn, chất lượng không thay đổi là giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò và giếng Lăng.
Giếng Đình
Giếng Cồn Trò là giếng mang tên địa danh Cồn Trò. Cồn trò là cồn cát cao, nằm sát đường cái quan hồi đó nên học trò các tỉnh trong Nam khi về kinh ứng thí thường tụ tập ở đây cho đông người rồi vượt Hải Vân Sơn - nhiều ác thú và hiểm trở - nên gọi là Cồn Trò. Số dân sĩ tập trung ngày càng đông và thường xuyên nên triều đình đã lập một nhà công quán và sức dân sở tại đào một cái giếng để đáp ứng nhu cầu dân tình.
Giếng Cồn Trò còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị mang dấu ấn lịch sử. Những chí sĩ lừng lẫy, các quan tướng lưu danh, các sĩ tử thành danh, các sĩ phu bất khuất… thời ấy đều qua đây và uống nước giếng Cồn Trò. Các nghĩa sĩ trong phong trào Nghĩa Hội (1884 - 1885), dưới sự chỉ huy của các chiến tướng Thống Hay, Cai Cải… sau những lần “bình tây sát tả” trở về đều tắm gội bằng mạch nước trong lành của giếng để ý chí thêm cường tráng.
Giếng Lăng
Hiện nay, thành giếng của 4 giếng vuông cổ trên đã được người dân xây thêm bằng gạch và xi măng để tránh nguy hiểm. Bởi các giếng nằm giữa khu dân cư, nền đường theo thời gian được bồi cao nên thành giếng bị thấp xuống gần bằng với nền đất xung quanh.
Trừ giếng Cồn Trò là không còn sử dụng, bởi một số người dân vô ý thức đem rác đổ đầy lòng giếng, có nguy cơ phủ cả thành giếng. 3 giếng còn lại thỉnh thoảng người dân vẫn sử dụng, nước giếng vẫn trong vắt, mát lạnh, ngọt lành và không bao giờ cạn, cho thấy tài năng tìm nguồn tụ thủy và kỹ thuật tạo tác giếng của người xưa thật đáng khâm phục.
Viết Hảo