1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thêm sai phạm tại di tích lịch sử phà Gianh

(Dân trí) - Sau khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra, xử lý việc xâm phạm di tích phà Gianh. Tuy nhiên, khi xã vừa thu hồi quyết định cho thuê thì lại phát hiện di tích bị BQL Di tích - Danh thắng đem… cho mượn.

Xã “cho thuê”, Ban “cho mượn

Sau bài báo “Di tích lịch sử quốc gia cũng bị đem cho thuê?”, Sở VH-TT&DL, Phòng PA25 Công an tỉnh Quảng Bình, BQL Di tích - Danh thắng Quảng Bình đã có buổi kiểm tra, làm việc với UBND huyện Bố Trạch, xã Hạ Trạch để làm rõ thực trạng di tích lịch sử bến phà Gianh. Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cũng có công văn yêu cầu Sở VH-TT&DL Quảng Bình kiểm tra, làm rõ.

Theo ông Lê Hùng Phi - Giám đốc Sở VH-TT&DL và ông Phan Văn Gòn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch: việc UBND xã Hạ Trạch tổ chức đấu thầu, cho thuê bến phà Gianh đã vi phạm Luật Di sản văn hóa, thể hiện sự buông lỏng quản lý. 
 
Thêm sai phạm tại di tích lịch sử phà Gianh - 1
Bến phà bị xâm thực mạnh, nhưng vẫn được cho "mượn" để tập kết bêtông.

Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch - ông Lưu Văn Tác đề nghị cho phép ông Diếp (người trúng thầu di tích) sử dụng bến phà này cho đến khi hợp đồng đáo hạn rồi thu hồi, song cả Sở VH-TT&DL lẫn đại diện UBND huyện Bố Trạch đều kiên quyết chỉ đạo xã này rút quyết định công nhận trúng thầu của ông Diếp, hủy hợp đồng với ông này.

Tại thực địa buổi kiểm tra, trên bến phà vẫn còn đống cát to mà ông Diếp tập kết chờ chở đi. Ngoài ra, trên bến phà đã xuống cấp trầm trọng vì bị sóng xâm thực này còn có nhiều khối bêtông dài gần 10m, ước nặng hàng chục tấn nằm ngổn ngang. Cả đại diện Sở VH-TT&DL lẫn UBND huyện Bố Trạch đều ngao ngán khi nhìn bia di tích nằm lọt thỏm giữa mớ hàng rào, cây dại và chuồng bò của dân.

Theo tìm hiểu, số bêtông này là của công ty TNHH xăng dầu Ngọc Thanh, được tập kết tại bến phà để xây dựng cầu cảng xăng dầu trên sông Gianh đoạn cách cầu Gianh chừng 500m. Sở dĩ công ty này tập kết bêtông ở đây là do trong tháng 4/2010, BQL Di tích - Danh thắng Quảng Bình đã có xác nhận bằng văn bản cho phép công ty này “mượn” bến phà phục vụ thi công.

Về vấn đề này, ông Lê Hùng Phi cho biết: “Để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong một thời điểm nhất định, có thể cho phép sử dụng di tích vào mục đích khác với điều kiện không làm hư hại, biến dạng di tích và phải trả nguyên trạng di tích sau khi sử dụng”.

Ông Phi nhấn mạnh, đây là di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc quyết định “cho mượn” hay không là thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL. Trả lời PV, bà Trần Thị Lý - Trưởng BQL Di tích - Danh thắng nói đã gọi điện cho lãnh đạo công ty đề nghị không tiếp tục tập kết vật liệu ở bến phà này và khẳng định sẽ thu hồi ngay văn bản cho phép công ty này “mượn” bến phà.

Sẽ có một di tích phà Gianh đẹp hơn? 

Ngay sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Bố Trạch đã có văn bản số 204/TB-UBND thông báo kết luận của ông Phan Văn Gòn - Phó Chủ tịch UBND huyện, trong đó ngoài yêu cầu xã Hạ Trạch chấm dứt hợp đồng cho thuê còn chỉ đạo ông Diếp vận chuyển hết vật liệu, thu dọn vệ sinh khu vực di tích. UBND huyện yêu cầu xã thống kê phân loại số chòi, quán và các công trình trong khu vực di tích để xử lý.

Tại buổi kiểm tra, trước kiến nghị của UBND huyện Bố Trạch về việc ngành văn hóa chưa bàn giao mốc, hồ sơ di tích cho địa phương, ông Phi khẳng định sẽ sớm bàn giao đầy đủ thủ tục theo quy định phân cấp quản lý để địa phương có phương án di dời, giải tỏa các công trình xây dựng trong khu di tích.

Ông Phi chỉ đạo UBND huyện Bố Trạch nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến việc đem di tích cho thuê, đồng thời trả lại nguyên trạng di tích trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, ông Phi cho biết sẽ xem xét khả năng thay văn bia di tích này bằng một văn bia bằng đá nguyên khối khác. Văn bia này sẽ được đặt trong khuôn viên di tích, ở một vị trí thoáng đãng để du khách dễ dàng quan sát, chiêm ngưỡng.

Ngày 4/5, trao đổi với Dân trí ông Gòn cho biết: đến nay, việc xử lý các tồn tại ở di tích này đã được UBND xã Hạ Trạch thực hiện rốt ráo: đã hủy hợp đồng cho thuê, giải tỏa một số công trình cơi nới, yêu cầu công ty Ngọc Thanh di dời các vòng bi choán đường vào di tích, cơ bản trả lại nguyên trạng cho bến phà Gianh lịch sử.

Hồng Kỹ