Quảng Bình:
Di tích lịch sử quốc gia cũng bị cho thuê?
(Dân trí) - Là nơi ghi dấu những chiến tích và sự hy sinh của bộ đội, TNXP trong kháng chiến, bến phà Gianh (Quảng Bình) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1998. Nhưng di tích này đang bị biến thành phế tích khi xã đem… cho thuê!
Đem di tích cho thuê
Đặt chân tới bến phà Gianh, khó nhận ra ở đây hình hài của một di tích. Ngoài ba bến phà cũ ở hai bờ, nơi đã trở thành “tọa độ lửa” trong những năm chống Mỹ, chỉ có tấm biển di tích nằm khép nép giữa lùm cây, cỏ dại mà phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy được.
Di tích phà Gianh không có khuôn viên rõ ràng, nên từ chăn trâu thả bò, xả rác đến các hoạt động “nhạy cảm” của con người đều xuất hiện trong khu di tích.
Đáng e ngại nhất, năm 2005 xã Hạ Trạch nảy “sáng kiến” đem các bến phà phía Nam sông Gianh thuộc di tích này cho một hộ dân thuê để kinh doanh cát sạn.
Theo hợp đồng 5 năm (đến hết 2010), hộ ông Nguyễn Văn Diếp được sử dụng các bến phà này cũng như một phần mặt nước sông Gianh để tập kết, kinh doanh cát sạn với giá thuê 10 triệu đồng/năm.
Được sự cho phép của xã, ông Diếp không những kinh doanh cát sạn, thậm chí có tàu thuyền cập bến là ông ra thu phí để bù lại số tiền 50 triệu đồng đã nộp cho xã.
Mới đây, Cục Hải quan Quảng Bình cũng phải “ngồi lại” với ông Diếp rồi chấp nhận chi cho ông 10 triệu đồng để ông gia hạn hợp đồng thuê đất thêm một năm (đến hết 2011) thì mới được ông “cho phép” tiến hành xây dựng trụ sở và cảng tàu cho đội chống buôn lậu của Cục.
Chủ tịch xã “không biết” về di tích phà Gianh?!
Ông Diếp cho dựng chướng ngại vật để ngăn cản phương tiện vào di tích.
Điều lạ lùng là ông Lưu Văn Tác - Chủ tịch xã Hạ Trạch khẳng định ông không hề biết bến phà Gianh trên đất xã nhà là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Tác trần tình: “Thấy bến phà bị bỏ hoang, không dùng vào mục đích gì nên UBND xã quyết định đem cho thuê từ năm 2005 để thu ngân sách. Việc này đã được tập thể bàn bạc, thống nhất”. Chính vì “bút sa gà chết”, xã cho rằng không thể can thiệp việc ông Diếp thu tiền bến bãi, ngăn cản các đơn vị khác thi công các công trình có sử dụng bến phà, mặt nước sông Gianh trong phần diện tích ông được thuê.
Chiều 22/4, trao đổi với Dân trí, ông Phan Văn Gòn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: ông và trưởng các phòng chức năng huyện đang kiểm tra trực tiếp thực trạng di tích, nắm bắt thông tin và được biết rằng UBND xã đã đem các bến phà này cho cá nhân thuê để tập kết cát sạn từ năm 2005, đến 12/2010 sẽ hết hạn. Trong thời gian thuê và sử dụng bến phà, ông Diếp đã có những hành xử mang tính "luật rừng" đối với các cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến sử dụng bến phà và diện tích đất ông này thuê. Ngoài ra, một số hộ dân còn xây dựng, cơi nới công trình dân sinh trong di tích.
Ông Gòn khẳng định UBND huyện sẽ xử lý rốt ráo những sai phạm này, trước mắt là hủy hợp đồng cho thuê đất của UBND xã Hạ Trạch với ông Diếp, yêu cầu ông dọn dẹp cát sạn, trả lại nguyên trạng di tích lịch sử cấp quốc gia này.
Di tích Lịch sử bến phà Gianh nằm ở hạ lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km (bến phà I) và 5 km (bến phà II), thuộc hai xã Quảng Thuận (Quảng Trạch) và Hạ Trạch (Bố Trạch). Bến phà này do người Pháp xây dựng vào năm 1886. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng đã khôi phục hoạt động bến phà Gianh. Năm 1960, Bộ GTVT đã xây bến phà Gianh mới cách bến phà cũ 5km về phía thượng lưu. Bến phà Gianh là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến, là tuyến huyết mạch trên QL1A trước khi cầu Gianh được xây dựng. Năm 1998, cùng với việc hoàn thành cầu Gianh trên QL1A, cụm bến phà Gianh được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. |
Hồng Kỹ