Thêm nhiều ưu đãi cho người có công với cách mạng
(Dân trí) - Sáng nay 26/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo giới thiệu Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này có 5 chương, 48 điều, so với pháp lệnh năm 1994 tăng 15 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2005.
Những nội dung mới của pháp lệnh gồm 4 vấn đề: đối tượng và phạm vi điều chỉnh; chế độ trợ cấp ưu đãi; chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; cơ chế xử lý vi phạm.
Về đối tượng hưởng chế độ ưu đãi ở Pháp lệnh này gồm có người có công với cách mạng (11 đối tượng - Pháp lệnh cũ có 7 nhóm đối tượng) và thân nhân của người có công với cách mạng. Bổ sung đối tượng hưởng chế độ ưu đãi là thương binh loại B xác nhận trước ngày 31/12/1993; bệnh binh mất sức lao động từ 41%-60% được công nhận trước ngày 31/12/1994; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.
Về chế độ trợ cấp ưu đãi, Pháp lệnh đã được cải cách một bước căn bản. Nếu như trước đây mức trợ cấp ưu đãi người có công được tính trên cơ sở tiền lương tối thiểu của cán bộ công chức nhà nước thì nay mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với người có công cách mạng và thân nhân của họ được đảm bảo tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội.
Đối với người hoạt động kháng chiến (người được thưởng huân, huy chương trong các cuộc kháng chiến ) đã được hưởng trợ cấp 1 lần, nay được bổ sung thêm chế độ mai táng phí và bảo hiểm y tế.
Pháp lệnh sẽ bổ sung chế độ đối với bố mẹ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi liệt sỹ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà không phụ thuộc vào độ tuổi; thân nhân 2 liệt sỹ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng. Trước đây bố, mẹ, vợ chồng, người có công nuôi liệt sĩ phải hết tuổi lao động (nam từ 55, nữ từ 50 trở lên) mới được hưởng chế độ trợ cấp.
Các cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa cũng được bổ sung chế độ, nếu như trước chỉ được tiền phụ cấp thì nay ngoài số tiền đó, họ sẽ được hưởng thêm các chế độ khác như: được cấp báo chí hàng ngày, chế độ chăm sóc sức khoẻ điều dưỡng, cung cấp dụng cụ chỉnh hình cần thiết (nẹp, nạng, xe lăn…) và các chế độ xã hội khác.
Ngoài ra, Pháp lệnh còn quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công.
Hồng Hải