1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thêm một cấp toà án, VKS để “gánh việc” cho toà, viện tối cao

(Dân trí) - Chiều 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố luật Tổ chức TAND tối cao, luật Tổ chức VKSND tối cao sửa đổi. Vấn đề chống án oan sai lại được đặt ra đối với lãnh đạo 2 cơ quan tư pháp này.

Trình bày các nội dung của luật Tổ chức TAND sửa đổi, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết, để khắc phục những hạn chế, chồng chéo của tổ chức bộ máy toà án các cấp hiện nay (toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm còn các toà án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp hoặc vừa xử phúc thẩm vừa xử giám đốc thẩm như TAND tối cao…), luật đã được sửa đổi theo hướng, TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Cụ thể, có 4 cấp toà là TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Như vậy, TAND cấp cao là một cấp toà mới được quy định so với luật hiện hành. Theo đó, thẩm quyền của các cấp toà cũng được phân định lại. Cụ thể, TAND tối cao sẽ không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các toà án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán TAND tối cao.

Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Phó Chánh án TAND Nguyễn Sơn tại cuộc họp báo công bố luật.
Phó Chánh án TAND Nguyễn Sơn tại cuộc họp báo công bố luật.

TAND tối cao gánh nhiệm vụ mới là “phát triển án lệ” để các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Phó Chánh án Nguyễn Sơn phân tích, quy định này sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải. Việc công bố án lệ cũng sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Về phía toà án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan sai, cũng hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng.

“Phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để đảm bảo công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội” – ông Sơn nhấn mạnh.

TAND cấp cao được giao nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của toà án cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của toà án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể UB Thẩm phán TAND cấp cao.

TAND cấp tỉnh theo đó không còn thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm mà chỉ xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của toà TAND sơ thẩm có kháng cáo kháng nghị và xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.

TAND cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của toà án (mở rộng hơn quy định hiện hành – toà cấp huyện chỉ được xử sơ thẩm các vụ án có tính chất tương đối nghiêm trọng, khung hình phạt đưa ra dưới mức án tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Về tổ chức bộ máy theo hướng chuyên môn, ông Sơn cho biết, TAND tối cao được tổ chức theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gồm từ 13 – 17 thẩm phán.

Ở TAND cấp cao, cấp tỉnh người các toà chuyên trách hiện có như toà hình sự, toà dân sự, toà hành chính, toà kinh tế, toà lao động, lần này luật quy định thêm Toà gia đình và người chưa thành niên.

Ở TAND cấp huyện, có thể có toà hình sự, toà dân sự, toà gia đình và người chưa thành niên, toà xử lý hành chính.

Chống oan sai hơn là chạy theo giải quyết án oan sai
Phó Chánh án TAND Nguyễn Sơn tại cuộc họp báo công bố luật.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể: "Cố gắng không để xảy ra án oan sai tốt hơn là đi xử lý, giải quyết án oan sai".

Tương ứng với hệ thống toà án này, tổ chức bộ máy của VKSND tối cao trong luật mới cũng chia làm 4 cấp tương ứng là VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện (Điều 20). VKSND cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu quy định tại Điều 41, 44 của luật.

Theo đó, từ 1/6/2015 (thời điểm luật có hiệu lực), VKSND tối cao sẽ chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND cấp tỉnh chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho VKSND cấp cao.

“VKS, TA cấp cao là một cấp mới được tổ chức. Thực chất đây là việc thiết lập hệ thống xét xử mới trên cơ sở các đơn vị tòa án và VKS đang trực thuộc TAND tối cao, VKSND tối cao hiện nay. Ví dụ, VKSND tối cao chúng tôi có vụ kiểm soát phúc thẩm để xử lý các án phúc thẩm do tòa phúc thẩm TAND tối cao xử khi án sơ thẩm do TAND cấp tỉnh xử bị kháng cáo, kháng nghị. Tổ chức như vậy vì chúng ta nhận ra rằng, lâu nay VKSND tối cao, TAND tối cao phải làm án nhiều quá, không tập trung được cho việc điều hành vĩ mô, lẫn chức năng của các cơ quan tư pháp cấp trên và cấp dưới. Giờ hệ thống được tách ra để tòa, viện tối cao có thể tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chung và chỉ xử lý một số án rất nhỏ sót, lọt, tránh hiện tượng… ôm việc” - Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể trả lời câu hỏi của PV Dân trí về ý nghĩa của việc thêm một cấp tòa, viện cấp cao.

Ông Thể nhấn mạnh: “Tinh thần cải cách tư pháp đề ra là phải cố gắng chống oan sai, không được để xảy ra oan sai hơn là đi xử lý giải quyết oan sai”.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày thêm một điểm mới của luật là mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSND cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Điều 20 luật quy định, cơ quan điều tra VKSND tối cao, VKS quân sự TƯ có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, toà án, VKS, cơ quan thi hành án, những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

P.Thảo