Thêm một bến xe được “nhồi” vào Hà Nội
(Dân trí) - Trong khi theo quy hoạch dự kiến các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… sẽ được di dời ra ngoại thành, thì TP Hà Nội lại cho xây dựng bến xe khách Yên Sở (quận Hoàng Mai) với công suất 1.000 xe ngày/đêm, thời gian hoạt động lên đến 50 năm.
Trong đồ án quy hoạch bến xe đang được TP Hà Nội hoàn thiện luôn xác định, các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4. Các bến xe mới này sẽ từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có (Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm) đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô.
Tuy nhiên, mới đây TP Hà Nội lại chấp thuận cho đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, ngay sát vành đai 3. Điều này, hoàn toàn đi ngược nguyên tắc “bố trí bến xe khách ra ngoài vành đai 4”.
Bến xe được đầu tư xây dựng đồng bộ bến xe khách kết hợp với bãi đỗ xe với diện tích khoảng 30.000 m2 với công suất khách tuyến cố định 800-1000 lượt xe ngày đêm, công suất xe tải khoảng 200 xe.
Theo đồ án Quy hoạch bến bãi đỗ xe do Sở GTVT Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng lập cho biết, bến xe Yên Sở chỉ là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho ba bến xe là Giáp Bát, Gia Lâm từ nay đến năm 2020.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc xây dựng bến xe Yên Sở được thực hiện để bảo đảm việc giải tỏa ách tắc giao thông khu vực vành đai và giải tỏa các bến xe lân cận như bến Nước Ngầm, Giáp Bát.
Nhiệm vụ bến xe Yên Sở trước mắt là để giảm tải việc xe vào bến Nước Ngầm và Giáp Bát, khi nào xây dựng được bến xe phía Nam và đường vành đai 4 thì bến xe này sẽ trở thành bến xe trung chuyển vận tải hành khách công cộng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - cho biết xây dựng thêm bến xe không phải là vấn đề, nhưng ông Thủy đặt vấn đề về khoảng cách xây dựng bến xe Yên Sở so với các bến xe hiện tại.
“Bến xe Yên Sở chỉ cách bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm 1-2km tôi cho rằng không phù hợp. Nhiều người dân bày tỏ liệu có lợi ích nhóm ở đây hay không? Có khuất tất gì không? Hà Nội cần có 1 mạng lưới bến xe, nhưng phải đảm bảo thuận tiện cho hoạt động đi lại của người dân và phù hợp với quy hoạch”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, việc Hà Nội di dời hết các bến xe ra khỏi nội đô thì một sai lầm và trên thế giới không nước nào họ làm như vậy. Chuyên gia này cho biết, bến xe, bến tàu ở Mỹ, Nga, Nhật Bản, Praha... đều đặt trong thành phố, thậm chí có những bến xe bến tàu tồn tại hàng trăm năm nay, nhằm đảm bảo thuận tiện nhất cho hoạt động vận tải và giảm thời gian đi lại của người dân.
“Đồng ý di dời bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình ra ngoài, nhưng sau đó khu đất bến xe sẽ trở thành cái gì? Di dời bến xe sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, gây thất thoát nhiều tiền của và thay đổi hoàn toàn thói quen đi lại của người dân. Nếu thời gian di chuyển bến xe nhiều hơn thời gian nhu cầu đi lại của người dân thì đó là sự bất hợp lý”, ông Thủy nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc TP Hà Nội xây bến xe tạm Yên Sở đã đối lập hoàn toàn chủ trương di chuyển bến xe ra khỏi khu vực đường vành đai 4. Điều này không phù hợp nguyên tắc do chính thành phố đề ra là di dời các bến xe ra ngoài vành đai 4.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng băn khoăn trong khi các bến xe trong khu vực lân cận phải di dời, thì Hà Nội lại chấp thuận cho phép bến xe “trung hạn” Yên Sở hoạt động lên đến 50 năm.
Quang Phong