Thêm gần 2 triệu khối bùn chuẩn bị đổ vào khu vực Chân Mây
(Dân trí) - Tại khu vực quanh biển Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), sau khi báo chí phản ánh đang tập kết 1 triệu khối bùn gây quan ngại về ô nhiễm môi trường, nghi là nguyên nhân khiến 2,7 triệu con tôm của người dân chết, mới đây lại xuất hiện thông tin sẽ có thêm 2 triệu khối bùn tiếp tục được đổ vào.
Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, gói thầu số 14 do Liên danh 6 nhà thầu đảm nhận thi công với tổng mức đầu tư trên 765 tỷ đồng, thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Dự án đã tập kết gần 1 triệu mét khối bùn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lưới điện, nghi gây cho 2,7 triệu con tôm người dân nuôi gần đó bị chết... nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm.
Sắp tới đây có kế hoạch thêm 2 dự án nữa sẽ đổ 2 triệu khối bùn vào khu vực Chân Mây gồm: Dự án Bến số 2 cảng Chân Mây do Công ty Cổ phần cảng Chân Mây làm chủ đầu tư đổ 800 ngàn khối bùn và Dự án Bến số 3 cảng Chân Mây do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư đổ hơn 1,2 triệu khối bùn.
Cụ thể, Dự án Bến số 2 cảng Chân Mây sẽ hút khoảng 800 ngàn khối bùn thải lên đổ ở khu đất 3 hecta (giai đoạn 1) và 10 hecta (giai đoạn 2).
Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Chân Mây, đơn vị sẽ làm 1 hệ thống kè bao cao khoảng 2,5 mét, bùn sẽ được bơm vào kè bao, sau đó cho phụ gia vào đông cứng lại. Phần bùn sau thời gian sẽ cứng và được xử lý làm khu hạ tầng, kho bãi cho cảng Chân Mây.
Dự án Bến số 3 cảng Chân Mây có chiều dài 270m, quy mô 13 hecta tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019 với hệ thống cảng tổng hợp phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào.
Sắp tới 2 triệu khối bùn sẽ đổ vào khu vực Chân Mây
Bà Doãn Thị Hằng, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế cho hay dự án ban đầu xin được nhấn chìm vật liệu bùn ngoài biển 3 km, tuy nhiên việc này mất thời gian về thủ tục. Do tiến độ gấp nên công ty đã xin Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép đổ bùn vào khu đất ở gần cầu Mỹ Vân (xã Lộc Vĩnh) cách cầu cảng khoảng 2-3 km, trên diện tích khoảng 23 ha.
“Tuy nhiên, khu đất này cũng chỉ được đổ được khoảng 450 ngàn khối bùn. Hiện còn lại 800 ngàn khối bùn, chúng tôi đang loay hoay xin chỗ đổ. Phương án nhận chìm bùn dưới biển phải qua nhiều khâu, cần có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT, Cục Hàng hải Việt Nam và phải xin Bản đồ Hải quân để xác định vị trí cần nhấn chìm. Vì ở khu vực cảng Chân Mây, thi công nạo hút ở độ sâu từ 12-14 mét đều là bùn lỏng, bùn non. Qua đánh giá, loại bùn này không thể xử lý tận dụng để làm san lấp mặt bằng khu lưu thông hàng hóa được, nên chúng tôi vẫn ưu tiên xin phương án đổ ra biển" - bà Hằng cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc lượng bùn biển lớn như vậy có ảnh hưởng gì đến môi trường, đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời, chủ trương chung của Ban đang yêu cầu các chủ dự án tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, lượng bùn cát nạo vét sẽ được dùng để tôn tạo bãi Bến số 2, Bến số 3.
“Trước hết, khối lượng bùn cát này được tận dụng phần lớn để tôn tạo bãi của bến, sau đó sử dụng các giải pháp xử lý nền đất yếu để gia cố nền trước khi xây dựng các công trình bên trên. Phương án chống tràn bùn cát ra biển, phòng ngừa ô nhiễm (nếu có) được thực hiện theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Sau khi thi công hoàn thành kè bảo vệ bờ, kè bến kín 3 mặt và kết hợp đường trục chính cảng Chân Mây đã đầu tư cùng với các giải pháp kỹ thuật khác sẽ hạn chế tối đa lượng bùn cát tràn ra biển. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp đang yêu cầu chủ dự án thực hiện nghiêm túc chủ trương này” – ý kiến từ Ban này cho hay.
Trong thời gian chủ dự án triển khai thực hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Vĩnh và các cơ quan liên quan khác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, đảm bảo tuân thủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vượt thẩm quyền.
Các ống hút bùn từ biển kéo dài qua nhiều nơi
Người dân lo ngại việc xử lý nước bùn để thải ra môi trường biển sẽ gây ô nhiễm
Đại Dương