Thêm 3 cây sưa trăm tỷ bị chặt hạ: Sự thật hay lâm tặc tung tin?

(Dân trí) - Dư luận hơn một tháng qua chưa hết xôn xao về 3 cây sưa cổ thụ ở rừng di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng bị lâm tặc chặt hạ thì nay lại bị khuấy động bởi thông tin lâm tặc đốn hạ 3 cây sưa ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1969/Lam-tac-triet-ha-3-cay-sua-co-thu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Lâm tặc triệt hạ 3 cây sưa cổ thụ</b></a>

Lần theo thông tin trên, PV Dân trí ngược lên xã vùng biên Trường Sơn để tìm hiểu thực hư. Có mặt ở trung tâm xã lúc đã quá trưa, chúng tôi bắt gặp một nhóm thanh niên đang xúm lại bàn chuyện. Hỏi chuyện sưa bị chặt hạ, một thanh niên kể lại rành mạch: “Khoảng một tháng trước có nghe thông tin một nhóm người đi rừng ở Roòn (huyện Quảng Trạch) tìm thấy một cây sưa ở trong rừng thuộc xã Trường Sơn to lắm. Nghe đâu bán được hàng trăm tỷ đồng. Còn tin người đi rừng mới trúng hai cây tiếp thì có nghe đồn nhưng không biết thực hư như răng cả”.

Thêm 3 cây sưa trăm tỷ bị chặt hạ: Sự thật hay lâm tặc tung tin?

Trung tâm xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - nơi lại rộ thông tin lâm tặc vừa triệt hạ cây sưa lớn

Để hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn. Ông Sỹ cho biết: “Cách đây hơn một tháng, tôi có nghe thông tin một người ở Roòn (huyện Quảng Trạch) đi bẫy thú trong rừng đã phát hiện một cây sưa đã chết trong rừng Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại. Cụ thể thế nào thì tôi không rõ lắm nhưng nghe dân đi rừng nói thì cây sưa đó to lắm, xẻ ra đến tận mấy chục phách gỗ. Sau khi xác nhận thông tin trên, các cơ quan chức năng đã vào kiểm tra nhưng chỉ phát hiện một hố đất vừa xới tung và mụn cưa gỗ sưa”. Theo ông Sỹ nói thì cây sưa trên cũng có giá hàng trăm tỷ đồng.

Bàn về tin đồn lâm tặc mới chặt hạ hai cây sưa (một cây sống, một cây chết) ở rừng thuộc địa phận xã Trường Sơn, ông Sỹ cho hay, cách đây khoảng 5 ngày xã cũng có nghe thông tin một nhóm người đi rừng tìm thấy hai cây sưa ở khu vực rừng Tam Lu (giáp biên giới Việt - Lào). Họ chặt một miếng gỗ vai ra hỏi người dân, nghe người dân bảo là gỗ sưa thì họ quay vào rừng ngay. Những ngày sau đó ở địa phương xuất hiện tin đồn lâm tặc lại tiếp tục tìm thấy hai cây sưa.

Thêm 3 cây sưa trăm tỷ bị chặt hạ: Sự thật hay lâm tặc tung tin?
Trạm kiểm lâm xã Trường Sơn chiều ngày 25/5 vắng hoe

“Cách đây hơn một tháng, việc người đi rừng tìm thấy một cây sưa đã chết ở rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại là có thật. Còn thông tin lâm tặc vừa tìm thấy hai cây sưa ở khu vực rừng Tam Lu tôi nghĩ là lâm tặc tung tin như thế để lực lượng chức năng đang làm nghiêm ngặt ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng phân tán lực lượng chuyển sang rừng huyện Quảng Ninh, tạo cơ hội cho các đầu nậu ở đây đưa gỗ sưa ra khỏi rừng”, một lãnh đạo xã Trường Sơn nói.

Trao đổi với PV Dân trí về tin đồn trên, Trung tá Trần Văn Quyền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 597 - Làng Mô, cho biết, sau khi nghe tin đồn về chuyện lâm tặc vừa chặt hạ hai cây sưa trên địa bàn, một tổ liên ngành gồm đồn biên phòng, trạm kiểm lâm Trường Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại đã vào rừng kiểm tra, làm rõ nguồn tin. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện một hố hẹp nằm trên một lèn đá cao. Xung quanh hố không phát hiện thấy dấu tích của vai vỏ và mạt cưa. Vì vậy đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định đươc đây là gốc của cây gỗ sưa hay không (?!).

Có hay không việc lâm tặc tiếp tục đốn hạ hai cây sưa ở rừng Tam Lu, thuộc xã Trường Sơn là câu hỏi mà các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cần điều tra, làm rõ trước dư luận. Và một câu hỏi lớn hơn cũng đang cần được giải đáp là tại sao chỉ trong vòng một tháng, tại Quảng Bình, nhiều cây gỗ quý trăm tỷ "lũ lượt" bị chặt hạ và dễ dàng lọt khỏi rừng?

Đặng Tài