Thêm 2 dự án trên cao tốc Bắc - Nam không hút được vốn, cần tiền ngân sách
(Dân trí) - 2 dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu tổ chức đấu thầu nhưng không nhà đầu tư nào dự thầu. Chính phủ trình đề xuất sử dụng vốn đầu tư công để làm 2 đoạn tuyến này…
Trong phiên họp thứ 52, chiều 11/1, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Đấu thầu lại tốn thêm thời gian, bỏ tiền để đẩy nhanh tiến độ
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Về sự cần thiết chuyển đổi hai dự án trên sang đầu tư công, theo Bộ trưởng, là sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Thể trình bày, đến nay, các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 94% khối lượng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thi công ngay trong quý II năm 2021, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 đồng bộ với các dự án từ Ninh Bình (Cao Bồ) đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2) sẽ phát huy tối đa hiệu quả các dự án. Đồng thời, nếu chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao để triển khai thi công, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Trong khi đó, nếu tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài thêm thời gian tối thiểu khoảng 10 tháng, nhưng cũng chưa thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai sẽ không thể hoàn thành đồng bộ các dự án thành phần; làm giảm hiệu quả đầu tư và khai thác sử dụng do các dự án kết nối không liên tục, dòng phương tiện bắt buộc phải di chuyển vào/ra các nút để tới các tuyến song hành nên sẽ giảm tính hấp dẫn, kém thu hút vận tải và không phát huy tối đa được năng lực vận tải liên tục với tốc độ cao của đường bộ cao tốc, có thể gây áp lực lớn lên giao thông nội vùng; đặc biệt là công tác quản lý phần mặt bằng đã thu hồi sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khu vực dự án đi qua.
Việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công Dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai).
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Thể, việc sớm hoàn thành đầu tư 2 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Duy trì huy động vốn tư nhân để dành nguồn lực cho phòng chống dịch
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu hai loại ý kiến qua thẩm tra nội dung nói trên.
Loại ý kiến thứ nhất cũng là ý kiến của Thường trực UB Kinh tế đồng tình chuyển đổi hai dự án trên sang đầu tư công, còn loại thứ hai đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này.
Theo phân tích của cơ quan thẩm tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn. Theo loại ý kiến thứ hai thì sau khi điều chỉnh tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP. Do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cho phép các dự án đầu tư theo phương thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho 2 dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ giúp nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.
Cơ bản đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua với 100% các Ủy viên có mặt tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh yêu cầu, việc chuyển đổi không được làm tăng tổng vốn đầu tư cũng như quy mô đã được Quốc hội quyết định. Chính phủ sẽ có trách nhiệm xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương.