1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thầy lang trị bệnh bằng cách... hôn!

Dù là nữ hay nam, "thầy" cũng bảo vén áo lên đưa lưng cho thầy trục bệnh bằng cách... "hun" chùn chụt trên lưng bệnh nhân và phun trầu vèo vèo vào lưng họ rồi lầm rầm đọc chú. Một hồi sau “thầy” hỏi: "Thấy dễ chịu không?"...

Hổm rày nghe bà con miệt vườn đồn đại rằng ở ấp Tà Ngáo, xã Xuân Tô, huyện Thoại Sơn, An Giang, có "thầy" Tư trầu trị được... bách bệnh. Cuối tuần qua chúng tôi đã lặn lội đi tìm "thầy".

"Thầy" Tư trầu tên thật là Lê Văn Duyên, quanh năm cứ nhai trầu bỏm bẻm nên người bệnh mới "thành kính" gọi chết danh như vậy. Coi bộ vó của tôi thấy cũng ốm yếu hom hem nên "thầy" nhìn có vẻ thương cảm lắm. Và "thầy" nổ ngay lập tức.

"Thầy” Tư nói rằng ai mà bị chó dại cắn đến mức độ chở qua sông đã bị "ngộp nước" nhưng đã tới tay "thầy" thì cũng như chưa hề bị chó cắn... (!?). Đặc biệt "thầy” Tư không trị bệnh bằng thuốc như các y sĩ thông thường mà trị bằng... nước.

Thầy nói như vầy: "Tui chỉ phun vài hớp nước vào ngay vết chó cắn và đọc thần chú là nọc chó dữ cỡ nào cũng... bay. Cả nọc bò cạp chích, cá trê đâm tui phun một cái là bay liền. Tại người ta không biết chứ đó chính là nọc ma, khi gặp nước lạnh cộng thêm câu chú nọc ma bị “khắc” nên phải rời khỏi bệnh nhân" (?!).

Hoang đường vậy mà một số bà con miệt vườn lại tin sái cổ. Thấy chúng tôi quan sát lu nước, "thầy” Tư cười: "Nước ở đâu cũng vậy, miễn tôi uống vào là trị được".

Xử phạt một thầy trị bệnh bằng cách cho bệnh nhân uống... giấy vàng bạc. Ông Nguyễn Văn Bé Bảy, quyền Trưởng Công an xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, cho biết cơ quan chức năng vừa xử phạt hành chính đối với ông Trần Văn Thắng (ngụ ấp Tân Hiệp, xã Long An) do nhiều lần hành nghề mê tín dị đoan, trị bệnh bằng bùa chú. Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện "thầy" Thắng trị bệnh cho bệnh nhân bằng cách đốt giấy vàng bạc cho họ uống.

Thấy tôi có vẻ "thành kính" lắng nghe nên "thầy" tâm sự tiếp: "Tui có được khả năng trên là do hồi nhỏ lưu lạc sang Nam Vang (Phnom Penh - Campuchia). Sống nơi lam sơn chướng khí đầy rẫy muỗi mòng, độc xà mà tui không bị mất mạng là do may mắn học lóm được bùa ngải, câu chú trị bệnh của người bản xứ. Đó là thứ ngải có thể trù yếm, “thư” cho người ta bị bệnh, hoặc khiến người ta yêu mình suốt đời dù chỉ gặp lần đầu. Còn câu chú là những câu rắc rối, rất khó hiểu mà khi đã thành tâm thuộc làu làu sẽ có khả năng ngậm nước, hay trầu phun vào vết thương bệnh nhân thì bệnh gì cũng khỏi. Mà tui nói thiệt với chú em, thấy mấy chuyện bỏ bùa ngải ác nhơn quá nên tui chỉ học mấy câu chú để giúp người thôi đó..."(!).

Đang nói chuyện bỗng có 3 bệnh nhân chạy xe vào, trong đó có 2 nữ ở Long Xuyên. "Thầy" Tư không thèm hỏi bệnh nhân đau như thế nào mà tuần tự gọi từng người vào một góc khuất trị bệnh.

Cả ba ai cũng than với chúng tôi rằng mang bệnh ngặt nghèo như viêm xoang mũi, tiểu đường, đau bao tử đi bệnh viện trị hoài nhưng không bớt, nay nghe tiếng thầy "mát tay" nên không quản ngại đường xa tìm tới. Ba con bệnh với 3 bệnh lý khác nhau nhưng thầy đều có chung cách trị. Dù nữ hay nam ai thầy cũng bảo vén áo lên đưa lưng cho thầy trục bệnh bằng cách... "hun" chùn chụt trên lưng bệnh nhân và phun trầu vèo vèo vào lưng họ rồi lầm rầm đọc chú. Một hồi sau thầy hỏi: "Thấy dễ chịu không?". Con bệnh trả lời: "Dễ chịu lắm".

Sau đó thầy hốt mấy toa thuốc và dặn bệnh nhân liều lượng uống. Chúng tôi thắc mắc sao cứ phải phun trầu mà không phải thứ khác, thầy cười cười trả lời phun trầu đọc chú cũng như phun nước trị độc rắn cắn, chó cắn vậy... Trục độc là phải trục từ trong xương tủy, chứ trục bên ngoài chỉ hết tạm thời.

Và "thầy" nói rằng trị bệnh giúp người không lấy tiền nhưng thực tế 3 con bệnh khi rời nhà thầy đều "thành tâm" để lại trên cái đĩa nhỏ mấy tờ giấy 50.000 đồng. Chúng tôi cũng vào ngồi, cũng được "thầy" hôn lưng chùn chụt và phun trầu vèo vèo nhưng chẳng thấy gì. Nhưng bù lại "thầy" khá sốt sắng và nhiệt tình sửa tướng cười rất tươi khi chúng tôi chụp hình.

Được biết, với cách trị bệnh này "thầy" đã từng bị địa phương nhắc nhở, cảnh cáo không được hành nghề mê tín dị đoan. Song cấm thì cứ cấm, bệnh nhân vẫn cứ tìm “thầy” Tư trầu. Vậy nên nhà "thầy" dù nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng vẫn có bệnh nhân hoài.

Theo Thanh Dũng
Thanh niên