Nghệ An:

Thấy dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” là biết được cứu sống

(Dân trí) - Sau khi thọc sâu vào đội hình chiến đấu và bắn tan xác một chiến đấu cơ của địch, chiếc máy bay của phi công Trần Hanh rơi xuống bản làng. Khi nhìn thấy dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” người phi công biết rằng mình đã được cứu.

Bia ghi chiến công trận đánh ngày 4/4/1965 của không quân nhân dân Việt Nam ở bản Lẻ Tằm.
Bia ghi chiến công trận đánh ngày 4/4/1965 của không quân nhân dân Việt Nam ở bản Lẻ Tằm.

Cuộc chiến không cân sức

Cách đây 50 năm là ngày phi công Trần Hanh (nay là Trung tướng, chủ tịch Hội CCB Việt Nam) cùng với chiếc máy bay chiến đấu MIG - 17 của mình rơi xuống bản Kẻ Tằm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được người dân nơi đây cứu sống. Bây giờ, nơi chiếc máy bay đáp xuống đã trở thành di tích lịch sử, người dân bản Kẻ Tằm lập bia chiến tích để ghi nhớ thời khắc lịch ấy.

Trận đánh ngày 4/4/1965, biệt đội bay MIG-17 (thuộc Trung đoàn không quân Sao Đỏ) gồm phi công Trần Hanh, phi công Lê Minh Huân, phi công Phạm Giấy và phi công Trần Nguyên Năm, xuất phát từ sân bay Nội Bài. Phi đội chiến đấu do chiếc máy bay của phi công Trần Hanh chỉ huy.

Khi đến địa phận cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), từ trên cao phi công Trần Hanh quan sát thấy cả hai bên đầu cầu, bộ đội bị những chiếc máy bay F105 của địch ném bom, đánh phá dữ dội. Phía xa trên bầu trời hàng chục chiếc máy bay F105 của địch dàn hàng ngang sẵn sàng ném bom, bắn tên lửa, nhả đạn.

Bia ghi chiến công trận đánh ngày 4/4/1965 của không quân nhân dân Việt Nam ở bản Lẻ Tằm.
Bia chiến công ghi lại thời khắc phi công Trần Hanh đã mưu trí cơ động tránh được 2 quả tên lửa của địch...

Trong thời khắc quyết định, Trần Hanh cũng các đồng đội được lệnh thọc sâu vào đội hình máy địch chia lửa cho bộ binh, lực lượng của ta ở dưới đất. Lập tức phi công Trần Hanh cho chiếc máy bay MIG - 17 tăng hết tốc độ như một mũi tên bắn xé gió nhằm thẳng đội hình chiến đấu của địch mà lao vào.

Lúc này tương quan lực lượng của ta và địch cả về số lượng và trang bị khí tài vô cùng bất lợi cho phi đội của Trần Hanh. Trong phút sinh tử cận kề, phi đội của ta chỉ có 4 chiếc máy bay MIG -17 trong khi đó địch có tới hàng chục chiếc F105.

Nhưng bằng mưu trí dũng cảm và nhãn quan chiến thuật, Trần Hanh cùng với phi đội của mình trong phút chốc đã hạ gọn 2 chiếc máy bay F105 của địch (sau này hai chiếc máy bay đó được xác định là do Thiếu tá Phăng-Béc-Xenet và Đại úy Giêm Ma Nhớt Xơn điều khiển - PV).

Bất ngờ bị tấn công và chịu tổn thất nặng, đội hình chiến đấu của địch bị phá vỡ. Chúng không còn để tâm đến nhiệm vụ thả bom, bắn phá mặt đất, bộ binh Việt Nam phía dưới mà chuyển toàn bộ chú ý sang những chiếc máy bay nhỏ đã liều lĩnh lao vào đội hình chiến đấu của chúng, quyết hạ cho được phi đội bay của Trần Hanh. Địch tiếp tục gọi về căn cứ xin thêm chi viện. Lúc này quân đội và địch vẫn quần thảo với nhau trên bầu trời, 4 chiếc máy bay MIG - 17 của phi đội do đồng chí Trần Hanh chỉ huy bị địch theo rất rát.

Bia ghi chiến công trận đánh ngày 4/4/1965 của không quân nhân dân Việt Nam ở bản Lẻ Tằm.
Cụ Vi Văn Thắm (90 tuổi) người đang sống ở bản Kẻ Tằm người chứng kiến và cứu sống phi công Trần Hanh nhớ lại: “Lúc đó tôi đang cùng anh em dân quân tự vệ của bản nghe tiếng rầm thì nhìn một chiếc máy bay rơi xuống vùng ruộng, nằm sát con suối ở đầu làng...".

Chỉ ít phút sau, trên bầu trời tỉnh Thanh Hóa xuất hiện đội bay tiêm kích F100D phối hợp những chiếc máy bay F105 còn sống sót tìm phi đội bay của phi công Trần Hanh vây hãm. Trong tình thế nguy cấp, Trần Hanh chỉ huy các đồng đội bay nhanh, bay cao nhằm tránh tên lửa của kẻ thù. Đồng thời xé vòng vây thoát ra ngoài. Tuy nhiên chỉ ít phút sau đó Trần Hanh liên lạc với đồng đội nhưng không nhận được tín hiệu trả lời.

Biết được cứu qua một dòng chữ 

Sau màn rượt đuổi trên không, đồng hồ nhiên liệu báo đã gần hết. Phi công Trần Hanh lúc này đành tăng tốc, vượt qua các eo núi, hạ độ cao men theo những khe suối để tránh sự phát hiện của địch, tìm nơi hạ cánh.

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 4/4/1965, phi công Trần Hanh đang hạ cánh máy bay bằng bụng an toàn tại bản Kẻ Tằm, xã Châu Phong, huyện Qùy Châu (Nghệ An). Đây là bản làng của đồng bào người dân tộc Thái, cuộc sống của nhân dân lúc đó hết sức khó khăn.

Sau màn tiếp đất có một không hai, phi công Trần Hanh bất tỉnh ngay trong khoang lái. Khi tỉnh dậy thì anh đã thấy rất đông người dân bản địa tại đây vây lấy mình. Lúc đầu Trần Hanh nghĩ họ không phải là người Việt, vì đồng bào nơi đây nói tiếng dân tộc Thái. Anh nghĩ rằng có thể rằng mình đã rơi vào tay địch. Nhưng nhìn xa xa có dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” người phi công như giải tỏa hết mọi lo lắng trong lòng và biết chắc rằng mình sẽ được cứu sống.

Bia đá ghi chiến công nằm ở mảnh đất Kẻ Tằm - cách thành phố Vinh hơn 250km.
Bia đá ghi chiến công nằm ở mảnh đất Kẻ Tằm - cách thành phố Vinh hơn 250km.

Sau đó phi công Trần Hanh được người dân bản Kẻ Tằm chăm sóc chữa trị điều dưỡng vết thương và báo với cấp trên rồi được chuyển trở lại đơn vị chiến đấu.

Cụ Vi Văn Thắm (90 tuổi) người đang sống ở bản Kẻ Tằm người chứng kiến và cứu sống phi công Trần Hanh nhớ lại: “Lúc đó tôi đang cùng anh em dân quân tự vệ của bản nghe tiếng rầm thì nhìn một chiếc máy bay rơi xuống vùng ruộng, nằm sát con suối ở đầu làng. Nhiều dân làng mang dao, cuốc, gậy gộc tập trung rất đông nơi chiếc máy bay. Khi phát hiện thấy anh phi công, nhiều người trong làng định lao vào đánh vì nghi là giặc lái. Nhưng sau khi hỏi chuyện thì được biết đây là phi công của bộ đội Cụ Hồ thì mọi người thương, đưa đi chữa trị, băng bó vết thương. Ít ngày sau tôi cùng một số người nữa dùng cáng đưa người này ra thị trấn để cho đồng chí ấy trở về với đơn vị”.

Chiến tranh đã lùi xa, đã trải qua gần 50 năm từ ngày phi công Trần Hanh từ trên trời đáp xuống vùng đất Kẻ Tằm nơi đại đa số dân tộc Thái sinh sống. Những người ngày xưa chứng kiến cú hạ cánh lịch sử của phi công Trần Hanh nay người còn, người mất. Để ghi nhớ chiến công của người phi công trẻ dân làng tại đây đã lập tấm bia đá ghi rõ những gì đã diễn ra để giáo dục cho con cháu bản làng nhớ một thời hào hùng của dân tộc.

Ông Vi Văn Chân, Bí thư xã Châu Phong chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, người dân bản Kẻ Tằm nay đã khác xưa rất nhiều. Ngày xưa, cả bản có hơn 70% hộ nghèo, hiện nay hộ nghèo đã giảm xuống dưới 40%. Đường nhựa, đường bê tông trải dài khắp các thôn bản, trường học được đầu tư xây mới, người dân không còn lạc hậu. Mỗi năm đến ngày lễ, tết con cháu trong bản vẫn thay phiên nhau ra khu vực bia đá ghi chiến công để nhổ cỏ, tu bổ lại. Qua đó cũng là để giáo dục thế hệ mới biết nhớ đến công lao của cha ông đi trước”.

Nguyễn Duy