1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Thay đổi cấp báo động lũ trên các sông

(Dân trí) - Đối phó với sự thay đổi về địa hình và mực nước ở một số khu vực nước ta, các đài khí tượng thủy văn khu vực trên cả nước đã nhận được quy định mới về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ.

Theo đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc sẽ báo động cấp I khi mực nước sông Đà tại Mường Tè đạt 285m, báo động cấp II khi mực nước đạt 287,5m và báo động cấp III khi mực nước sông này là 290m. Cũng là sông Đà, nhưng khi chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình, báo động cấp I là 21m, cấp II là 22m và cấp III là 23m.

Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc là trạm khí tượng theo dõi mực nước lũ của 4 con sông: sông Thao, sông Lô, sông Cầu và sông Chảy. Sông Thao sẽ có báo động lũ cấp III khi: chảy qua  địa phận tỉnh Lào Cai đạt mức 83,5m; chảy qua địa phận Yên Bái đạt mực nước 32m; chảy qua địa phận Phú Thọ đạt mực nước 19m.

Sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội (thuộc dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ) sẽ có báo động cấp I khi đạt mực nước 9,5m, báo động II khi đạt mực nước 10,5 m và báo động III khi đạt mực nước 11,5m. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cùng là báo động lũ cấp III, nhưng sông Đa Nhim chảy qua Đại Ninh phải đạt mực nước 831,5m, trong khi đó sông Gành Hào chảy qua Cà Mau chỉ cần đạt mức 1,2 m.

Thay đổi cấp báo động lũ trên các sông  - 1
Cảnh báo chính xác về lũ sẽ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại. (Ảnh minh họa)
 
Do nước ta nằm trải dài trên nhiều vĩ độ, tương đối hẹp ngang ở miền Trung, nhiều sông có độ dốc khá lớn, cường xuất lũ lại lên nhanh. Vào mùa lũ, nhiều con sông còn vượt qua mức báo động III gây ngập lụt trên diện rộng và mang lại nhiều hậu quả nặng nề nếu như không có biện pháp phòng, tránh tốt.

Vì thế Theo TS Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, những quy định này đã được chỉnh sửa so với quy định trước đây do sự thay đổi về địa hình, mực nước ở khu vực miền Trung và Nam Bộ. Riêng khu vực miền Bắc không có gì biến động. Việc quy định 3 cấp báo động mới sẽ giúp công tác ứng phó với lũ lụt được chủ động và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2010, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam từ 6-7 cơn, tương đương với năm 2009. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung vào các tháng cuối mùa. Trong khi đó, tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm và mưa cũng sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối mùa. Các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và xảy ra trong thời đoạn ngắn.
 
Trên các sông chính ở Bắc Bộ, có khả năng đỉnh lũ cao nhất năm 2010 sẽ xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Phạm Thanh