Thầy Đỗ Việt Khoa “khẩu chiến” với lãnh đạo trường Vân Tảo
(Dân trí) - Mối quan hệ “cơm chẳng lành” giữa người đương thời Đỗ Việt Khoa và lãnh đạo trường PTTH Vân Tảo dường như càng khó gỡ sau vụ cướp máy ảnh, đe doạ của 2 bảo vệ trường. Người than bị “tẩy chay”, người đau đầu vì chưa cách gì “xử” dứt điểm.
Ngồi trong vòng vây của gần hai chục phóng viên, nhà báo cùng một số người hâm mộ, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa liên tay phát từng tập “đơn tố cáo”. Chiếc điện thoại di động trong tay thầy Khoa đổ chuông liên hồi. Thao tác bật mở loa ngoài, máy ghi âm đặt trước mặt, thầy Khoa mới bấm nút trả lời.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đã cúi đầu như một kẻ nhu nhược nhưng…
Nhận xét về sự thay đổi của trường Vân Tảo trong 2 năm, từ khi có hiệu trưởng mới về lãnh đạo, thầy Khoa cho rằng, sau vụ tố cáo gian lận tại trường thi 2006 của mình và sau đó có cuộc vận động “hai không” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, học sinh khắp nơi, không cứ gì trường mình có chuyển biến tích cực.
Nói riêng về trường mình, “người đương thời” tố ngay: thầy hiệu trưởng đề ra một số luật riêng khiến học sinh rất sợ. Thầy Khoa khẳng định, đã góp ý trực tiếp với vị lãnh đạo trường nhiều lần nhưng bị quát mắng là “có biểu hiện chống đối hiệu trưởng, nghị quyết của tập thể”.
“Thầy hiệu trưởng ở đây có đặc điểm là độc quyền, độc đoán, không nghe ai, anh em góp ý không được” - ông Khoa khái quát.
Về việc cho rằng mình bị trù dập, thầy Khoa dẫn chứng là không hề bỏ một tiết nào, nhưng cuối năm lại được “ăn” cái án không hoàn thành nhiệm vụ. Thầy Khoa biện giải, năm 2007, có buổi đã báo người dạy thay vì bận việc nhưng sau đó vẫn bị trường lập biên bản, đưa xuống lớp “ép” học sinh ký là giáo viên bỏ dạy 2 tiết.
Thầy Khoa cũng than, trong trường chỉ có bản thân mình rơi vào cảnh… đứng lệch phe với thầy hiệu trưởng. Về tỷ lệ tín nhiệm 0%, thầy Khoa khẳng định, không phải đồng nghiệp trong trường Vân Tảo không ủng hộ mà do thầy hiệu trưởng áp đảo làm họ sợ.
“Sự áp đảo của thầy khiến không ai dám ho he phát biểu, dù nửa câu. Có người ủng hộ tôi đã bị quát mắng giữa hội đồng đến sợ xanh tái, ngã liêu xiêu giữa cuộc họp. Có người gọi điện bảo tôi là cả trường bây giờ chỉ hi vọng mỗi mình tôi thôi” - thầy giáo nổi tiếng phân trần trong khi nhẩm tính, trên 2/3 cán bộ giáo viên ủng hộ mình, chỉ vì “anh em sợ, không dám lên tiếng”. Những lời đe doạ ấy, theo lời “người đương thời”, đều đã được ghi âm.
Trước câu hỏi về việc bản thân có nghĩ nguyên nhân bị cô lập, đồng nghiệp xa cách là do cách hành xử, thường xuyên mang theo máy ảnh, ghi âm để chộp lại những lời của mọi người và tố cáo lên trên, thầy Khoa phủ nhận: “Tôi chỉ buộc phải ghi âm vì biết chắc lúc đó, hiệu trưởng sẽ “khủng bố” tôi”.
Người đương thời còn không giấu suy nghĩ, ngay thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ) cũng muốn bao che cho “sự loạn ngôn, lộng hành” của hiệu trưởng trường Vân Tảo. “Tôi cũng ghi âm lại câu thanh tra động viên tôi… xuống nước”.
Trước thông tin có tố cáo của học sinh, phụ huynh về việc bản thân vi phạm quy định, thầy Khoa lý giải là do học sinh lớp thầy cũng bị ép buộc viết. “5 “tay chân” của thầy hiệu trưởng, gồm 3 thư ký đe doạ cả lớp bắt phải ký đơn. Tôi ghi âm đầy đủ lời học sinh nói lại sau đó”.
Đặt vấn đề, có luồng ý kiến cho rằng sau “chiến tích” năm 2006, nhất là sau khi lên chương trình “người đương thời”, trở về thầy mắc bệnh “sao” nên có một số hành xử vượt quá phạm vi, chưa đúng chuẩn mực của một giáo viên, thầy Khoa phản ứng ngay.
“Tôi cho vụ 2006 là một nỗi xấu hổ của bản thân. Sau 2006, tôi muốn cúi đầu xuống như một kẻ nhu nhược và sự thật là tôi đã cúi đầu”.
Thầy Khoa phân trần, với bất cứ việc gì của thầy hiệu trưởng lúc đó, bản thân đã nhắm mắt làm ngơ, không can thiệp. “Nhưng không ngờ thầy hiệu trưởng là một nhân vật đặc biệt về tính cách. Tôi quan niệm tránh voi chẳng xấu mặt nào nhưng con voi này vừa to vừa… ác, không cho mình tránh, quyết tâm tiêu diệt mình”.
Kết lại, thầy Khoa cho rằng, để giải quyết quan hệ giữa mình và tập thể trường Vân Tảo, trong đó có hiệu trưởng Lê Xuân Trung, hướng duy nhất, hướng gỡ bế tắc và cũng là hướng đúng pháp luật lúc này là lãnh đạo Tp.Hà Nội tạm đình chỉ thầy hiệu trưởng để thanh tra tất cả những sai phạm của nhà trường.
Hiệu trưởng Lê Xuân Trung: Thầy Khoa chỉ có tư tưởng chống và… phá
Trước thông tin “người đương thời” bày tỏ cảm giác “bị cô lập trong trường”, thầy hiệu trưởng Lê Xuân Trung thẳng thắn cho rằng, trước hết, thầy Khoa phải xem lại hành vi cư xử, mối quan hệ cuộc sống cũng như quá trình công tác ở trường của mình.
Thầy Trung lý giải: “Đó có thể là điều thầy Khoa tự cảm nhận. Sự thật không phải thầy Khoa bị xa lánh, cũng chẳng phải kỳ thị nhưng dễ thấy, cả học trò và đồng nghiệp đều rất quan ngại khi tiếp xúc vì thầy Khoa hay dùng cách ghi âm, những câu hỏi “gợi mở” để đưa người ta vào bẫy, nhiều khi bị liên luỵ nên người ta… ngại”.
Về “án” không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng trường Vân Tảo khẳng định, thầy Khoa nhiều lần bỏ giờ, bỏ tiết… Những vi phạm kỷ luật này, nhà trường đều có biên bản lưu giữ.
Thầy Trung nói, nếu hiệu trưởng được quyền quyết định, thầy Khoa đã không còn đứng trong đội ngũ nhà giáo. Hiệu trưởng trường Vân Tảo cho biết đã báo cáo lên Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ), xin ý kiến xử lý về việc liên tiếp vi phạm kỷ luật của thầy Khoa nhưng do quá quan ngại việc thầy Khoa đã trở thành “người đương thời” nên Sở vẫn do dự, chần chừ.
Tuy nhiên, đề cập đến động thái từ phía nhà trường, thầy hiệu trưởng cũng thừa nhận: có “e dè” trong việc đặt vấn đề kỷ luật thầy Khoa. Trường cũng chưa một lần tổ chức họp xét kỷ luật thầy Khoa cũng như chưa có văn bản đề nghị biện pháp xử lý với cơ quan quản lý cấp trên.
Về những nội dung thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo sai phạm của Ban giám hiệu và cá nhân mình, hiệu trưởng trường Vân Tảo, thanh tra Sở đã làm việc và thông qua dự thảo mà chính thầy Khoa cho rằng có sự bao che.
Hiệu trưởng Lê Xuân Trung giọng gay gắt: “Thầy Khoa muốn phủ nhận tất cả, không thừa nhận việc làm nào của tôi là tích cực. Trong tư tưởng của thầy Khoa, chỉ có chống và… phá, thiếu xây dựng. “Xây” là phải làm tốt chuyên môn, ủng hộ hoạt động của nhà trường. Việc chúng tôi thắt chặt nề nếp, kỷ cương được học sinh và phụ huynh thừa nhận thì thầy Khoa lại cho rằng thế là hà khắc”.
Dù mối quan hệ giữa “người đương thời” với tập thể trường có vẻ khó “hàn gắn”, hiệu trưởng Trung cũng thành thật, hiện trường cũng đang lúng túng về cách giải quyết. Về kiến nghị mà thầy giáo chống tiêu cực nêu ra với thanh tra - đình chỉ công tác Ban giám hiệu trường - thầy Trung nhận xét là “xấc” và không hiểu luật.
Ông Trung cũng kiến nghị, sau khi có kết luận chính thức của thanh tra, nếu xác định tố cáo của thầy Khoa sai sự thật, phải có biện pháp xử lý cụ thể. Những phần lỗi kết luận về mình, ông Trung khẳng định, xin chịu trách nhiệm theo quy định.
P.Thảo