1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thắt lòng ở Nam Trà My

(Dân trí) - Cả ngày đi học chỉ bỏ bụng một nắm cơm, đêm mùa đông miền núi cắt da cắt thịt, nhưng các em học sinh bán trú ở Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn chỉ độc một manh áo mỏng, ngủ không chăn, không chiếu. Nhìn tình cảnh các em, không ai có thể cầm lòng…

Trường THCS bán trú cụm xã Trà Don, cách thị trấn Tắc Pỏ, trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chừng 9 km, từ cuối tháng 11 đến nay, mưa lũ lớn đã làm đường sá bị chia cắt. Giá lương thực thực phẩm ở trung tâm xã đội lên rất cao. Giá gạo khoảng 10 nghìn đồng/kg, nhưng chất lượng gạo chỉ tương đương với loại gạo 5.000 đồng/kg dưới đồng bằng.

Hơn nửa tháng bị cô lập do mưa lũ, cả thầy cô và các em học sinh ở đây đều phải cố sức tiết kiệm lương thực, tránh để các em phải đứt bữa.

 

Học sinh đến trường mỗi ngày chỉ một nắm cơm. Hôm nào vào rừng được thì cải thiện bữa ăn với rau rừng và củ khoai, củ sắn. Chứng kiến bữa ăn chiều của các em tại trường, chúng tôi chỉ thấy cơm và canh (gồm mì tôm nấu với bí đao), tuy nhiên cơm bị nhão và khét. Cô phụ trách cho hay do mùa mưa, củi bị ẩm ướt nên nhen lửa mãi không cháy, đến khi củi cháy thì gạo đã nở.

Thắt lòng ở Nam Trà My - 1

Em không có áo ấm, áo trắng ngả màu cũng rách tả tơi

 

Thầy hiệu phó trường THCS bán trú cụm xã Trà Don Nguyễn Phước Tỉnh cho biết, hiện gạo ở trường có thể nấu cho các em ăn đến cuối tháng 12, mì tôm thì đang mua tạm ở nhà dân, rau cải đã đứt từ vài ngày nay, các loại thực phẩm khác cũng đang sử dụng cầm chừng chờ trời nắng ráo ra huyện chở về. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, gây chia cắt giao thông, hàng trăm em học sinh sẽ không còn gạo ăn trong vòng nửa tháng tới.

 

“Toàn trường có 193 học sinh, trong đó có 100 em ở nội trú tại chỗ để học. Mỗi tháng các em học sinh ở bán trú được cấp 100.000 đồng từ ngân sách tỉnh. Với mức hỗ trợ này, thực lòng, nhà trường chỉ có thể lo được cho các em có gạo ăn. 1kg gạo hiện nay rẻ cũng đã 10 nghìn đồng, có đợt lên đến 17-18 nghìn đồng. Còn lại các em tự túc thức ăn với rau rừng, khoai củ. Ở cái vùng hơn 70% hộ dân thuộc diện nghèo, học trò cũng như nhà dân đã quen với những bữa ăn thiếu trước hụt sau, thầy Võ Đăng Chín, hiệu trưởng trường THCS bán trú cụm xã Trà Don nói.

 

Thắt lòng ở Nam Trà My - 2

Không vào rừng kiếm thêm rau, thêm sắn - các em ăn cơm trắng không của thầy cô san sẻ

 

Đường đến trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân, cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng chừng 12km, vừa chạy xe vừa dắt bộ gần 2 giờ đồng hồ thì đến nơi. Hơn nửa tháng nay, 20 cán bộ, giáo viên và 110 em học sinh bán trú tại đây cầm hơi bằng cơm và rau rừng. Bữa cơm giáo viên vùng cao, sang lắm là có món trứng luộc dầm mắm hoặc… trứng chiên. Còn các em học sinh, tận mắt chứng kiến bữa cơm chiều của các em, không ai trong chúng tôi có thể không chạnh lòng. Cứ mười em học sinh được độc một mâm cơm trắng.

Nhưng thương nhất là trong mùa đông giá rét, các em đến trường học chỉ với một manh áo mỏng. Các thầy cô mỗi khi về xuôi thăm gia đình vẫn tranh thủ xin áo ấm cũ mang về cho các em ở trường, nhưng cũng chỉ lo được một phần.

Có trải qua đêm miền núi mùa đông mới thấu cái lạnh cắt da, cắt thịt. Vậy mà các em đến trường học, không có áo ấm, đêm ngủ không chiếu, không chăn. Chuyện nửa đêm học trò vào trường báo thầy cô biết có bạn đang bị nhiễm lạnh, sốt cao là chuyện thường.

Thắt lòng ở Nam Trà My - 3

Giường các em ngủ trong khu bán trú không chiếu - không chăn

Hỏi các em “đêm ngủ có được không”, em Hồ Văn Nhơn, học sinh lớp 6 trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân hồn nhiên: “Không có chăn lạnh lắm. Bọn em ba bạn nằm chung một giường quàng vào nhau cho đỡ lạnh mà không hết lạnh. Trời mưa, củi trong rừng ướt hết, không nhen lửa sưởi ấm được”.

Trong khu nhà bán trú vào loại sang nhất ở các xã vùng cao huyện Nam Trà My, hầu hết các em ngủ trên những chiếc giường tầng chỉ trơ những dát gỗ, không chiếu không chăn, lác đác vương vãi sách vở. Chỉ một số hiếm hoi có chăn ở nhà mang vào trường san sẻ với bạn.

Lòng chúng tôi như se thắt lại khi nghĩ tới mùa đông còn kéo dài trong vài tháng nữa rồi cả những mùa đông sau, các em sẽ chịu đựng sao đây.

Thắt lòng ở Nam Trà My - 4

Trời lạnh, em ngồi trong lớp học phải kéo cao cổ áo mà vẫn co ro

Tuyến giao thông về các xã Trà Vân và Trà Don hiện nay vẫn còn nhiều đoạn sạt lở, lầy lội, cánh xe ôm chạy loại xe chuyên trị đường núi cũng chưa chở được hàng hoá về.

 

Quỹ Nhân ái đến với các em nhỏ hai trường THCS Trà Vân và Trà Don

Ngày 11/12, đại diện báo điện tử Dân trí đã trao tặng 2 trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân và Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, mỗi trường 5 triệu đồng. Đây là 10 triệu đồng trích nóng từ Quỹ tấm lòng nhân ái của báo Dân trí ủng hộ các trường ngay sau khi PV phản ánh tình hình 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, trong đó có 2 xã Trà Vân và Trà Don. Trước đó, PV Dân trí đã có mặt tại hai xã Trà Don và Trà Vân nắm tình hình thực tế tại các trường.

Đón nhận số tiền trích từ Quỹ Nhân ái của báo Dân trí, thầy Võ Đăng Chín, hiệu trưởng trường THCS bán trú cụm xã Trà Don và thầy Hồ Ngọc Thanh Sơn, hiệu phó trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân gửi lời cám ơn chân thành đến bạn đọc báo Dân trí. Các thầy cho biết: “Với số tiền này, ngay khi có thể, nhà trường sẽ về huyện mua chăn cho các em học sinh”.

Thắt lòng ở Nam Trà My - 5

Ông Vũ Công Điền - PCT huyện Nam Trà My đại diện lãnh đạo nhận và trao tiền ủng hộ của Quỹ Nhân ái đến đại diện trường THCS Trà Don

Thắt lòng ở Nam Trà My - 6

Ông Lê Ngọc Kích (trái) - PCT huyện Nam Trà My đại diện lãnh đạo địa phương trao quà của Quỹ nhân ái đến đại diện trường Trà Vân

 

Toàn huyện có 20 trường, với tổng số HS là 7443 em ở tất cả các cấp học. 5 trường THCS bán trú cụm xã bao gồm Trà Don, Trà Nam, Trà Vân, Trà Mai, Trà Dơn. Ngoài ra còn 5 xã có bậc THCS nhưng không có bán trú cụm xã, học sinh tự khắc phục nơi ở và nhận mỗi tháng 100 ngàn tự ăn học đó là xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Vinh, Trà Leng.

 

Các xã Trà Linh, Trà Leng do quá xa và đường đi bị tắc nghẽn hoàn toàn, nếu đi xe ôm và đi bộ phải hơn một ngày đường trong điều kiện vô cùng khó khăn, PV Dân trí đang tiếp tục cuộc hành trình đến với các xã khác ở Nam Trà My, những mong nhanh chóng giúp các em vợi bớt phần nào khó khăn chồng chất.

Khánh Hiền - Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm