1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra thị trường sữa tại Hà Nội

(Dân trí) - Trước sự cố 1.200 em nhỏ Trung Quốc mắc bệnh do uống sữa nhiễm hóa chất, ngày 15/9, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội. Còn tại TPHCM, các loại sữa bột đóng bao nilông không nhãn mác vẫn được bày bán ở nhiều nơi.

Chưa phát hiện sữa Tam Lộc tại Hà Nội

 

Ngày 15/9, Đoàn thanh tra gồm đại điện của Thanh tra y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Viện dinh dưỡng đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội.

 

Kết quả kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn cho thấy chưa phát hiện thấy loại sữa Tam Lộc của Trung Quốc trên thị trường Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng cấp phép và đăng ký (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết thêm, loại sữa Tam Lộc chưa từng được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

 

Liên quan tới thông tin sữa nhiễm hóa chất gây bệnh sỏi thận trẻ em ở Trung Quốc, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho hay, hiện Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu lực lượng Y tế dự phòng phối hợp với lực lượng an ninh biên phòng ở các vùng biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc như: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn... siết chặt việc kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sữa. Đồng thời, đề nghị Cục Y tế dự phòng và môi trường tăng cường khâu kiểm dịch y tế biên giới.

 

Bộ Y tế cũng có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm sữa, nhằm phát hiện sớm những sản phẩm sữa không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có thể được nhập khẩu và lưu hành trên thị trường Việt Nam.

 

TPHCM: Sữa không nhãn mác bán tràn lan

 

Lo ngại về khả năng xuất hiện loại sữa của Trung Quốc tại TPHCM, chúng tôi đã đến các cửa hàng chuyên buôn bán sữa bột tại một số chợ để tìm hiểu. Các chủ cửa hàng kinh doanh sữa đều khẳng định không bán các loại sữa nào của Trung Quốc sản xuất.

Tuy  nhiên, vẫn có nhiều loại sữa được đóng gói một cách đơn giản trong bao nilông, không ghi nhãn hiệu hoặc có nhãn chỉ ghi sơ sài. Vì vậy, thực chất nguồn gốc và chất lượng của mặt hàng sữa bột này vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Khi chúng tôi hỏi mua về loại sữa bột bán theo ký, chị chủ cửa hàng ở chợ Bình Tây (quận 6) nhanh nhảu đưa ngay một bịch sữa loại một ký và chào giá 100.000 đồng/ký. Chúng tôi thắc mắc tại sao sản phẩm không có nhãn hiệu thì được chủ cửa hàng cam đoan đây là sữa của Tân Tây Lan (New Zealand) nhập vào. Do sữa này chứa trong bao lớn loại 25 kg nên phải chia nhỏ ra để dễ bán. Người bán không thể làm cách nào chứng minh được những điều họ nói là sự thật.

Cũng là loại sữa tương tự nhưng tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một chủ cửa hàng bán sữa bột lại giới thiệu là xuất xứ từ Hà Lan và bán với giá 60.000 đồng/ký (!?). Mặc dù người bán loại sữa này đều quảng cáo là sữa cao cấp, có chứa kem… tốt cho trẻ em thế nhưng thực chất nguồn gốc của sản phẩm chỉ có họ mới rõ.

Theo KS Huỳnh Lê Thái Hòa, trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TPHCM) thì "Về nguyên tắc các loại sản phẩm bán trên thị trường phải có công bố chứng nhận tiêu chuẩn, nhãn mác, phải có hạn sử dụng theo quy định. Nếu các sản phẩm nào bày bán mà không rõ nhãn mác là vi phạm".

Bên cạnh loại sữa bột trên, thị trường còn bán khá nhiều sữa bột được đóng gói với bao bì đơn giản, trên nhãn mác chỉ ghi sữa Hòa Lan hoặc Hà Lan mà không ghi rõ thành phần sản xuất.

Điều đặc biệt là các loại sữa này giá khá rẻ, chỉ khoảng 15.000 đồng/500gr, bằng một nửa giá các loại sữa bột đóng hộp hay chứa trong bao thiếc. Quả thật, chất lượng của các loại sữa cũng không chắc chắn hơn loại sữa không nhãn mác là mấy. Thế nhưng với giá thấp nên loại sữa này được khá nhiều người mua nhất là người tiêu dùng bình dân.

Sự tràn lan của các loại sữa bột không rõ nguồn gốc đang là mối lo chung cho người tiêu dùng. Và càng đáng lo ngại hơn khi từ lâu nhiều mặt hàng của Trung Quốc được nhập vào nước ta theo đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát.

Sự việc một loại sữa Trung Quốc chứa độc chất melamine, chắc chắn cũng là một cảnh báo cho các nhà quản lý chất lượng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

KS Hòa cho biết: "Mặt hàng sữa gây bệnh này không xuất khẩu sang nước ta theo đường chính ngạch, bởi nếu sữa này đi theo đường chính ngạch thì  Bộ Y tế sẽ phát hiện và ngăn chặn được nhưng thật đáng lo nếu loại sữa này theo đường nhập lậu thì rất khó kiểm soát.

Sở Y tế TPHCM cũng đã xem xét vấn đề này trên tinh thần tìm hiểu rõ chất độc đó là gì và cũng đề ra hai phương án giải quyết. Sở sẽ kiểm tra 2 nguồn, thứ nhất là kiểm tra xem có sản phẩm này trên thị trường hay không và bước thứ hai (nếu có) là xử lý, tịch thu tiêu hủy ngay các sản phẩm có loại chất này".

Lê Phương - Ngọc Linh