1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra giao thông được phép dừng xe?

(Dân trí) - Cho phép Thanh tra giao thông dừng xe, huy động công xã tuần tra, kiểm soát giao thông, cho phép hoán cải xe tải hạng nhẹ thành xe khách... là những vấn đề của dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi còn nhiều ý kiến trái chiều tại Thường vụ Quốc hội.

Chiều 24/7, Thường vụ Quốc hội đã góp ý với dự thảo lần 9 luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Không nên để công an xã tuần tra giao thông

Ông Trần Thế Vượng cho rằng, không nên huy động các lực lượng cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong điều kiện hiện nay, tất cả các lực lượng cảnh sát đều cần chuyên môn hóa, Bộ Công an đã có trường đào tạo riêng, nếu thiếu thì tăng cường đào tạo. Theo ông, không thể cứ có vi phạm giao thông là có thể đưa cả Cảnh sát ma túy ra để giải quyết.

“Việc huy động lực lượng khác có thể dẫn đến tình trạng cán bộ không nắm vững luật chuyên ngành sẽ đi phạt lung tung hoặc cảnh sát đang đi làm án lại bị điều về giải quyết vấn đề giao thông”, ông Vương phân tích. Thêm nữa, theo ông phải xác định tuần tra, kiểm soát là làm gì, chứ không phải chỉ “đi đi, lại lại, mất thời giờ”.

“Chỉ có lực lượng CSGT được quyền tuần tra, tôi không tán thành các lực lượng khác làm việc này, nhất là công an xã vì họ không được đào tạo, không có chuyên môn”, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận có cùng chính kiến.

Ông Thuận cũng đưa ra một thực tiễn không ổn trong việc cho phép công an xã xử phạt người không đội mũ bảo hiểm vừa qua là công an xã này chỉ chăm chăm phạt người của xã kia.

Tuy nhiên, các ý kiến trên lại không “lay chuyển” được quan điểm của đại diện phía Bộ Công an. Ông Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đưa ra lí lẽ, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra hiện nay quá thiếu, cụ thể toàn quốc chỉ có 6.000 người, tính ra mỗi người phải đảm nhiệm 70km đường quốc lộ.

Dù sẽ được bổ sung thêm 3.000 người từ nay đến 2010, nhưng vẫn thiếu rất nhiều, trong khi vấn đề giảm ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông được đặt ra cấp bách.

Nếu được huy động lực lượng công an xã, sẽ có sự phục vụ của khoảng trên 20.000 người. “Nên để Bộ trưởng Bộ Công an được huy động lực lượng này và ngành Công an sẽ có trách nhiệm qui định quyền hạn của công an xã khi tuần tra”, ông Quang đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong những trường hợp cần thiết như tắc đường thì bất cứ lực lượng nào cũng được huy động để giải quyết, thậm chí cả người dân, nhưng đã quy định vào Luật thành một công việc thường xuyên thì không nên.

Dừng sai sẽ bị xử lí!

Qui định “trong trường hợp cần thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình giao thông, (Thanh tra đường bộ) được phép dừng phương tiện giao thông để có biện pháp xử lí theo thẩm quyền” cũng thu về nhiều tranh luận.

Thanh tra giao thông được phép dừng xe? - 1
 
Những qui định trong luật sẽ cải thiện tốt hơn thực tiễn giao thông hiện nay? (Ảnh: MC).
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận, góp ý, theo qui định của pháp luật, Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ thanh tra tĩnh, bây giờ dự án luật này lại cho họ được phép dừng phương tiện để xử lý sẽ trùng lắp với lực lượng Công an.
 
“Quy định như vậy rất mập mờ, người dân đi ra ngoài đường không hiểu tại sao cùng một sự việc mà cả Thanh tra Giao thông, Cảnh sát giao thông cùng có quyền dừng phương tiện để xử phạt”, ông Thuận phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu lại có ý kiến khác hơn: nên để thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện nếu thấy phương tiện có thể gây hậu quả đến công trình giao thông.

Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng, Thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu dừng sai, dừng vì mục đích khác sẽ phải bị xử lí.

Với vấn đề chuyển đổi xe ô tô tải chưa qua sử dụng (có trọng tải dưới 1 tấn) thành ô tô chở người và chở hàng hoá, ông Nguyễn Văn Thuận bày tỏ sự không đồng ý. Ông Thuận dẫn chứng, xe công nông (loại xe được cải biến) đến nay khiến chúng ta phải khốn khổ, cấm lên cấm xuống.

“Công nghệ ngày càng phát triển, mỗi loại xe có chức năng khác nhau, nếu ta cứ duy trì việc chuyển đổi sẽ không bao giờ có được phương tiện giao thông đúng với mục đích”, ông Thuận nhấn mạnh.

Cấn Cường