Thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu tham nhũng, báo chí phản ánh
(Dân trí) - VKSND Tối cao yêu cầu thanh tra đối với các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài.
Theo định hướng công tác thanh tra năm 2022 của VKSND Tối cao, lãnh đạo, người đứng đầu các cấp kiểm sát chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.
"Thanh tra đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài"- cơ quan này nêu rõ.
VKSND Tối cao yêu cầu thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để xảy ra vi phạm.
Trong việc chấp hành kỷ luật nội vụ phải kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, chấp hành chế độ nghiệp vụ, sử dụng trang phục ngành, chấp hành thời gian làm việc, đặc biệt là chấp hành các biện pháp phòng chống Covid-19.
Kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, nhất là do cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến; vụ việc dư luận, báo chí phản ánh và lãnh đạo VKSND Tối cao chỉ đạo.
Đối với đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung phản ánh về người, vụ việc cụ thể thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKSND cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm.
"Xử lý nghiêm người có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt từ 90% trở lên"- VKSND Tối cao nêu rõ.
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, VKSND Tối cao yêu cầu thực hiện có hiệu quả các biện pháp theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng.