1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi vụ "thổi phồng" chi phí đường cao tốc

(Dân trí) - Theo ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Bộ Giao thông vận tải sẽ phải có báo cáo gửi Chính phủ xung quanh thông tin một công ty thuộc Tập đoàn POSCO Hàn Quốc lập những quỹ đen bằng cách "thổi phồng" chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi vụ thổi phồng chi phí đường cao tốc
Nhà thầu POSCO thi công gói thầu A1, A2 và A3 của Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: Như Quỳnh).

Trao đổi với PV Dân trí sáng 4/4, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - khẳng định thời gian qua, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan này không tiếp nhận phản ánh, tố cáo nào về tiêu cực xảy ra liên quan đến Tập đoàn POSCO Hàn Quốc trong quá trình thi công các dự án đường giao thông ở Việt Nam.

Theo ông Đạt, trước thông tin mà báo chí Hàn Quốc phản ánh, chắc chắn Bộ Giao thông vận tải sẽ phải có văn bản báo cáo gửi Chính phủ. “Hiện chúng tôi mới chỉ biết thông tin qua báo chí chứ chưa có trao đổi gì với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này. Nhưng chắc chắn với nhiệm vụ được giao, Thanh tra Chính phủ sẽ lắng nghe, theo dõi vụ việc này”- ông Đạt nói.

Trong khi đó, thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong các công trình do VEC làm chủ đầu tư, POSCO là nhà thầu thi công 3 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là A1, A2 và A3. Các gói thầu này được triển khai thi công từ năm 2009 và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Tại Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, POSCO là nhà thầu thi công gói xây lắp số 3 và gói xây lắp 5A. Hai gói thầu này lần lượt được khởi công vào năm 2009, 2013 và hiện cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng gói thầu 5A, POSCO thi công tốt vượt tiến độ tới 10 tháng.

VEC cho rằng POSCO đã trúng thầu các gói thầu xây dựng hai dự án đường cao tốc trên thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, được tiến hành minh bạch với giá trúng thầu thấp hơn từ 15-30% giá dự toán của gói thầu. 

Bên cạnh đó, theo hợp đồng đã ký kết với POSCO và các nhà thầu khác tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư được dựa trên hướng dẫn của FDIC, Luật Xây dựng,  phương thức, hình thức thanh toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ thuộc thẩm quyền của nhà thầu chính, VEC không can thiệp vấn đề này.

VEC chỉ thanh toán cho nhà thầu chính các khối lượng hoàn thành đảm bảo chất lượng được tư vấn giám sát xác nhận và cơ quan kiểm soát chi là Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cùng Bộ Tài chính và được Nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chấp thuận.

Đến nay VEC chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ Chính phủ hoặc Cơ quan công tố Hàn Quốc về vấn đề này.

Trước đó, báo chí Hàn Quốc thông tin về việc cơ quan công tố nước này vừa tiến hành bắt tạm giam cựu Giám đốc điều hành POSCO E&C - thành viên của Tập đoàn POSCO Hàn Quốc - do bị cáo buộc lập quỹ thanh toán trong quá trình điều hành một số dự án hạ tầng.

Công ty này bị cho là đã lập những quỹ đen trị giá 10 tỷ won (tương đương 8,9 triệu USD) bằng cách "thổi phồng" chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam từ năm 2009 đến 2012, thông qua việc cấu kết với các nhà thầu phụ.

Có thanh tra các dự án có vốn ODA Nhật Bản trong năm 2015?

Sau vụ lãnh đạo Tập đoàn JTC (Nhật Bản) bị phát giác hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên (tương đương 16 tỷ đồng), ngày 10/2 vừa qua, ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đã có buổi làm việc cùng Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải để trao đổi một số giải pháp phòng, chống tiêu cực tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Ken Yamamoto - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, đã đặt câu hỏi về việc Thanh tra Chính phủ có trực tiếp thanh tra các dự án có vốn ODA của Nhật Bản? Năm 2015 kế hoạch thanh tra các dự án này có được đưa vào kế hoạch thanh tra hay không?

Đáp lại, ông Trần Đức Lương cho biết Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần thanh tra các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Dự án có nguồn vốn ODA rất được Việt Nam quan tâm nên công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, các bộ, ngành trước tiên cần chủ động thanh tra các dự án vốn ODA trong phạm vi quản lý. Năm 2015, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ không đưa cụ thể dự án nào nhưng khi thanh tra các chủ thể sử dụng vốn có thể xem xét thanh tra một số dự án như việc Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với phạm vi tương đối rộng gồm việc chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng vốn nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.

Ông Lượng khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng phía Nhật trong việc phát hiện, xử lý các tiêu cực liên quan đến dự án vốn ODA. Khi tiếp nhận các thông tin, phản ánh từ phía Nhật Bản, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành theo phân cấp quản lý ở Việt Nam, đề nghị cơ quan chủ quản sử dụng vốn ODA hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra. Với vai trò quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu việc thanh tra không đạt yêu cầu, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp tiến hành thanh tra lại.


Thế Kha