1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Chính phủ nhận khuyết điểm vì bổ nhiệm cán bộ tràn lan

(Dân trí) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận, việc bổ nhiệm đến gần 50 cán bộ trong tháng 8/2011 là quá số lượng so với quy định, có Vụ đội lên 4 Vụ phó, có Cục tới 5 Cục phó. Thanh tra Chính phủ nhận khuyết điểm trong việc này...

\
Clip Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng thừa nhận khuyết điểm trong việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan của ngành.
 
Trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2014 vừa kết thúc cách đây ít phút, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thẳng thắn trao đổi về vấn đề gây xôn xao dư luận vừa qua - đó là thông tin trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền ký một loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ tại đơn vị này (đầu năm 2011).  

Thừa nhận thực tế có việc này, ông Lượng giải thích, do đặc thù của công tác thanh tra, nhiều cán bộ có năng lực, kinh nghiệm nhưng đã quá tuổi bổ nhiệm nên năm 2010 Thanh tra Chính phủ ban hành quy chế về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ hàm cấp vụ. Trên cơ sở quy chế này, 8 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm 23 người có hàm cấp vụ là những người đã từng đảm nhiệm các vị trí công tác, có kinh nghiệm.
 
Theo ông Lượng, đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ là các Bộ, cơ quan TƯ, UBND cấp tỉnh nên khi xác định địa vị pháp lý, đơn vị có tạo điều kiện để cho các cán bộ thuận lợi khi làm việc. Mục đích của việc này cũng là để thúc đẩy hiệu quả công tác tốt hơn.
 
Thanh tra Chính phủ nhận khuyết điểm vì bổ nhiệm cán bộ tràn lan
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng (phải) thừa nhận, việc bổ nhiệm đến gần 50 cán bộ trong tháng 8/2011 là quá số lượng quy định.

Cùng với 23 cán bộ cấp vụ được bổ nhiệm này, Thanh tra Chính phủ khi đó cũng bổ nhiệm một số cán bộ (bao gồm cấp vụ và cấp phòng) để chuẩn bị nhân sự cho 3 đơn vị mới là Vụ thẩm định, giám sát và thực hiện kết luận sau thanh tra, Vụ hành chính tổng hợp, Vụ tiếp dân và giải quyết đơn thư với số lượng cần tối thiểu là 10 cán bộ cấp vụ, 15 cán bộ cấp phòng.

Tổng cộng số cán bộ bổ nhiệm như vậy lên đến gần 50 người, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhận định, làm cho con số cán bộ được bổ nhiệm vào tháng 8/2011 đội lên khác với bình thường.

“Chúng tôi cũng nhận thức, so với quy định của Chính phủ, việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng vì Chính phủ quy định mỗi vụ có 1 Vụ trưởng và không quá 3 Vụ phó mà ở đây, thực tế, có vụ có đến 4 Vụ phó, có cục đến 5 Cục phó” – ông Lượng thừa nhận.

Ngoài việc quá số lượng, còn nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm chưa đảm bảo điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị… Cá biệt, có trường hợp sau thời gian bổ nhiệm rất ngắn, người được bổ nhiệm đã vi phạm pháp luật đến mức phải cách chức.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ quả quyết: “Tự kiểm điểm, chúng tôi thấy là mình có khuyết điểm. Vì vậy, trong đợt điểm kiểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, chúng tôi đã xác định trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức và đã có phương hướng, có kế hoạch để sửa chữa. Kết quả kiểm điểm, kế hoạch sửa chữa đó trong thực tế đã làm quyết liệt trong 2012, 2013 và được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá là việc thực hiện kiểm điểm, sửa chữa có hiệu quả, kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4 theo đó là đạt yêu cầu”.

Việc sửa chữa cụ thể, đối với nội dung bố trí cán bộ vào 3 đơn vị mới, ông Lượng cho biết, thực tế Thanh tra Chính phủ đã bố trí 18 cán bộ cấp vụ, 16 cán bộ cấp phòng. Sau đó, tập thể Ban cán sự và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã ra Nghị quyết không bổ nhiệm hàm cấp vụ nữa. Vậy nên, từ con số cán bộ rất lớn đó, đến nay, những cán bộ lớn tuổi cơ bản đã nghỉ hưu, một số sẽ nghỉ hưu tiếp trong năm nay và 2015, ông Lượng khẳng định, hiện tổng số biên chế đơn vị còn lại “một số không nhiều”.

Với những trường hợp cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu công việc đã điều chuyển vị trí khác để phát huy được năng lực sở trường. Ông Lượng nhấn mạnh, trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật đã bị cách chức, 3 trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã miễn nhiệm. Tập thể lãnh đạo các đơn vị có thiếu sót khuyết điểm đã kiểm điểm, bỏ phiếu xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Đánh giá chung đợt bổ nhiệm cán bộ đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, đa số cán bộ được bổ nhiệm đã đáp ứng được các yêu cầu công việc.

Nói về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ vượt quy định, ông Lượng phân trần, công tác cán bộ theo quy định là trách nhiệm của tập thể, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. “Vậy nên việc bổ nhiệm khi đó có trách nhiệm của tập thể Ban cán sự Đảng bộ TTCP khóa trước và trách nhiệm của cá nhân Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ khi đó” - ông Lượng trao đổi.

Về trường hợp cụ thể của Vụ trưởng Vụ 1 - ông Lê Sỹ Bảy, dư luận cho là có khuất tất, thể hiện ngay từ việc đưa ra một người duy nhất để bầu cho một vị trí, Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng phủ nhận ngay. Ông Lượng chỉ rõ, đây là cơ chế bổ nhiệm, không phải bầu cán bộ vậy nên việc đưa ra một hay hai “ứng viên” là quyền của người đứng đầu đơn vị quyết định. Thanh tra Chính phủ khẳng định việc bổ nhiệm ông Bảy là đúng quy trình. Còn việc xem xét sai phạm, trách nhiệm của cá nhân này cần chờ cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng vì trong phạm vi quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền làm việc này.

P.Thảo