Thanh tra Chính phủ “bắt bệnh” tình trạng đóng BHXH, BHYT
(Dân trí) - “Các tỉnh, thành phố còn tồn tại việc doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn mức quy định. Nhiều doanh nghiệp trích tiền lương, tiền công của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác”.
Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) mới được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng ký duyệt, gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống kê, tổng hợp các doanh nghiệp nợ đọng, chủ động phối hợp Thanh tra Chính phủ xây dựng phương án thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ đọng; lập danh sách 1.569 doanh nghiệp dự kiến thanh tra gửi Thanh tra Chính phủ.
Đến cuối năm 2014 đã có 60 địa phương thành lập đoàn thanh tra liên ngành do thanh tra tỉnh chủ trì (Quảng Trị không triển khai thanh tra, Lâm Đồng triển khai đến năm 2013 theo kế hoạch của tỉnh và Tây Ninh xin lùi cuộc thanh tra sang năm 2015). 6 địa phương thanh tra số doanh nghiệp vượt kế hoạch được giao, gồm: Hà Nội, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thanh Hóa và 17 tỉnh đạt 100% kế hoạch.
Kết quả thanh tra cho thấy toàn bộ 1.261 doanh nghiệp được thanh tra đều có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT (nợ đọng, đóng không đúng thời gian quy định) với thời gian chậm đóng kéo dài, vi phạm Luật BHXH năm 2006, Luật BHYT năm 2008.
“Tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) của 1.261 doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra là 1.440,475 tỷ đồng” - báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra, đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện tại 68 doanh nghiệp số tiền nợ đến ngày 31/7/2014 gần 360 triệu đồng. “Các đoàn thanh tra đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền nợ BHXH, BHYT vào tài khoản của BHXH địa phương theo quy định. Tính đến ngày 15/12/2014, các doanh nghiệp đã nộp được tổng số tiền trên 416 tỷ đồng (đạt 28,6%) tổng số nợ”- Thanh tra Chính phủ cho biết.
Ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng BHXH
Theo tổng hợp của cơ quan thanh tra, các tỉnh, thành phố đều có tình trạng doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT dưới các hình thức như trốn đóng, đóng thiếu thời gian của người lao động với tổng số người là 13.584 người (tổng số tiền truy thu gần 67,5 tỷ đồng).
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp cho những người lao động không làm việc tại doanh nghiệp tham gia đóng bảo BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (đóng không đúng đối tượng).
Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ còn phát hiện 12 doanh nghiệp cho 251 người không làm việc tại doanh nghiệp tham gia đóng 3 loại bảo hiểm này. Đoàn đã yêu cầu doanh nghiệp ngừng đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện cho số người lao động này và thực hiện báo giảm với cơ quan BHXH địa phương.
“Các tỉnh, thành phố còn tồn tại việc doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn mức quy định. Nhiều doanh nghiệp trích tiền lương, tiền công của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác, chưa chốt được sổ và trả sổ BHXH cho người lao động đã nghỉ việc, hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác, hoặc đã đủ điều kiện để giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ mất sức nhưng chưa được giải quyết chế độ kịp thời, không được hưởng chế độ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, nghỉ ốm đau, thai sản, người lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng BHTN trong thời gian chưa tìm được việc làm”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm.
Qua đó Thanh tra Chính phủ khẳng định công tác quản lý các doanh nghiệp của BHXH một số tỉnh thành phố còn hạn chế, chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình hoạt động, biến động của doanh nghiệp, việc tham mưu cho chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa cụ thể, sát thực. Công tác kiểm tra còn hạn chế, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài chưa thực hiện nghiêm theo quy định của BHXH Việt Nam.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm hành chính chưa được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm. Công tác thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành về BHXH chưa được thường xuyên, sâu, rộng. Việc thực hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của những người, cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế, thiết kiên quyết. Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì hoặc chấp nhận nộp phạt cho hành vi chậm đóng BHXH.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ ngành và BHXH Việt Nam triển khai Luật BHXH mới (có hiệu lực từ 1/1/2016), khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý BHXH; đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định 49/2013 của Chính phủ để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở trả lương, đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định. UBND các địa phương tăng cường thực hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. BHXH Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới. |
Thế Kha