1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thành phố trong Thủ đô: Cần xác định rõ ranh giới, nguồn lực, phân cấp

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ý kiến chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hà Nội cần lưu tâm khi xác định ranh giới, nguồn lực, phân cấp… của mô hình "thành phố trong Thủ đô"; tránh điểm nghẽn mà TP Thủ Đức (TPHCM) đã "vấp" phải.

Nên lấy ý kiến rộng rãi

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã xem xét việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, để giải nén, giảm tải cho khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp.

Thành phố trong Thủ đô: Cần xác định rõ ranh giới, nguồn lực, phân cấp - 1

Khu vực phía Tây Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: VGP).

Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị 2 bên Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD (lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị) tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng; phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc nghiên cứu điều chỉnh được coi là "những bước đi đầu" để giải nén, giảm tải cho khu đô thị trung tâm. Ông đánh giá Hà Nội đang có kế hoạch tốc độ đô thị hóa rất cao và hoàn toàn ủng hộ định hướng quy hoạch xây dựng mô hình phát triển "thành phố trong Thủ đô".

Tuy nhiên, ông Nghiêm lưu ý, có nhiều vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu mô hình phát triển "thành phố trong Thủ đô". Cụ thể, Hà Nội cần lưu ý khi xác định ranh giới các khu vực thành phố này. Tiếp đó là nguồn lực thực hiện (gồm nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực ngân sách) và cuối cùng là vấn đề phân cấp, phân quyền để giải quyết những "tồn đọng" giống TP Thủ Đức (thuộc TPHCM), để không có những điểm nghẽn trong quá trình phấn đấu xây dựng "thành phố trong Thủ đô".

Một vấn đề nữa, theo ông Nghiêm là cần phải lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội, truyền thông và đặc biệt là của người dân ở các khu vực áp dụng mô hình này.

"Bởi vì, bài học trước đây cho thấy, sau khi mở rộng địa giới Hà Nội, có rất nhiều ý kiến trái chiều khi Hà Đông từ thành phố trở thành quận, Sơn Tây từ thành phố xuống thị xã" - ông Nghiêm dẫn chứng.

Thành phố trong Thủ đô: Cần xác định rõ ranh giới, nguồn lực, phân cấp - 2

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội từng được phê duyệt năm 2011 (Ảnh: HàNộimới).

Cân nhắc xây dựng mô hình thành phố phía Bắc sông Hồng

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm diễn ra hồi tháng 10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ kế hoạch xây dựng thêm 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, để giải quyết hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ quyết tâm "giãn ra bên ngoài", xây dựng các cực tăng trưởng mới. Điển hình trong đó là tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, dự kiến thành phố sẽ xây dựng thành phố thứ nhất ở phía Bắc sông Hồng, gồm 3 huyện: Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế; lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Thành phố thứ hai dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hòa Lạc hiện nay; định hướng là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.

Về định hướng này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ nhưng cho rằng, Hà Nội cần phát triển đồng bộ các khu đô thị trong nhà ở xã hội để tránh tạo ra áp lực giao thông vào nội thành.

Đối với thành phố ở phía Bắc sông Hồng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý cơ quan chuyên môn nên xem xét giới hạn, phạm vi để "có bước đi phù hợp". Bởi lẽ, trước đó, Hà Nội từng muốn đưa Đông Anh trở thành quận nhưng "không đủ tiêu chí" nên không được phê duyệt. Riêng Gia Lâm, địa phương này chỉ được lấy một phần để trở thành quận Long Biên.

Ngoài ra, cần cân nhắc xây dựng mô hình thành phố phía Bắc sông Hồng vì khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đang có định hướng đưa huyện lên quận.

"Vì vậy, để trở thành một thành phố trong thành phố thì cần phải nghiên cứu về giới hạn, phạm vi đến đâu. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thận trọng" - ông Nghiêm bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm