Đà Nẵng:
"Thành phố thơm tho, còn chúng tôi chỉ xin 1 hơi thở mà không được!"
(Dân trí) - “Dân Khánh Sơn chúng tôi có phải là con người không? Con chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt cả ngày”; "thành phố đáng sống sao lại như vậy? Ăn cơm bịt khẩu trang, tối ngủ bịt khẩu trang?" - người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn nói gay gắt.
Sáng 31/10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi đối thoại với người dân Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trước bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường nặng tại bãi rác Khánh Sơn.
Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, sau khi tiếp nhận thông tin ô nhiễm môi trường tại các công ty xử lý môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, thành phố đã chỉ định ông trực tiếp làm trưởng đoàn phối hợp với quận Liên Chiểu và các ban, ngành tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra 4 công ty gồm Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty Quốc Việt, Công ty CP môi trường Việt Nam, Công ty TNHH Ánh Dương (các công ty phân loại, xử lý rác thải, xử lý nước hầm cầu), phát hiện các công ty này xử lý rác thải, nước thải không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường. Đoàn đã yêu cầu các công ty tiến hành khắc phục. Ngày 30/10, đoàn tiến hành kiểm tra lại, các công ty đã triển khai thực hiện nhưng chưa dứt điểm. Đầu tháng 11, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thành (người dân Khánh Sơn) cho biết, 24 năm nay người dân nơi đã khổ sở vì ô nhiễm nên rất bức xúc. Lúc đầu là đưa bãi rác lên đây. Rồi tiếp đến Công ty Quốc Việt, rồi Công ty CP Môi trường Việt Nam... "Bây giờ, chúng tôi yêu cầu thành phố di dời hết những công ty này. Ở trung tâm thành phố thì thơm tho còn người dân chúng tôi chỉ xin một hơi thở mà 24 năm nay vẫn chưa được", bà Thành bức xúc nói.
Bà Hoàng Thị Hiền (người dân Khánh Sơn) cũng cho biết, sở dĩ người dân nơi đây chặn xe vì các công ty này cam kết xử lý không để xảy ra ô nhiễm nhưng thực tế vẫn để tình trạng này xảy ra. Dân chặn xe để yêu cầu thành phố phải giải quyết.
“Dân Khánh Sơn chúng tôi có phải là con người không? Con chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt cả ngày. Con người cũng phải có giới hạn thôi chứ. Đề nghị thành di dời các công ty này, dân chúng tôi chịu 24 năm rồi”, bà Hiền nói gay gắt.
Anh Nguyễn Trung (người dân Khánh Sơn) cũng bức xúc, các công ty xử lý môi trường nhưng trực tiếp hủy hoại môi trường. Đây là thành phố đáng sống, thành phố môi trường sao lại làm như vậy. Khổ sở chịu không nổi. Thành phố phát triển nhưng dân không được hưởng lợi gì hết, ăn cơm bịt khẩu trang, tối ngủ bịt khẩu trang.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, sau khi nghe người dân phản ánh, quận đã cử cán bộ xuống giám sát, cùng ngủ với dân và việc người dân người là ánh là có thực.
“Nhân dân Khánh Sơn vì thành phố thì mong thành phố cũng vì dân. Đề nghị thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho người dân”, ông Thị nói.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư quận ủy Liên Chiểu đề nghị thành phố xem việc giải quyết ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn là việc trọng điểm của thành phố và có những chính sách hỗ trợ về nước sạch và bảo hiểm cho người dân, đề nghị các công ty xử lý môi trường phải vận hành đúng quy trình để đảm bảo môi trường cho người dân.
Trả lời những bức xúc, kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trước những bức xúc của người dân, Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo thành phố xử lý. Sau đó, thành phố đã có những văn bản chỉ đạo. Hiếm có vụ việc nào mà Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký liên tiếp 3 văn bản để xử lý những bức xúc của người dân.
Yêu cầu các đơn vị liên quan gồm Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty CP môi trường Việt Nam, Công ty Quốc Việt, Công ty TNHH Ánh Dương thực hiện nghiêm túc đúng chỉ đạo của thành phố. Nếu không thực hiện được thì sẽ đóng cửa.
Ông Tuấn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra chặt chẽ, đốc thúc các công ty thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố và yêu cầu bà con ở khu vực phối hợp với Sở Tài và Môi trường kiểm tra, giám sát.
Ông Tuấn cũng chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra, giám sát đặc biệt thường xuyên kiểm tra, giám sát. Và tổ trưởng phải số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh là có ngay. Giám sát các văn bản, giám sát ở hiện trường. Hàng tuần tổ đó báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Làm từ nay đến cuối năm để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở đây.
Cũng theo ông Tuấn, hiện bãi tập kết rác đã đầy. Theo kế hoạch không có gì thay đổi thì năm 2018 sẽ đóng cửa. Khi đóng cửa thì phải trả lại môi trường cho khu vực vực. Giao Sở Tài Nguyên và Môi trường nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng bãi rác mới kèm theo đó là công nghệ xử lý. Bãi rác mới phải không để lặp lại tình trạng này.
“Buổi đối thoại hôm nay chỉ là bước đầu và chúng ta phải thực hiện nó dài dài. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của bà con và cũng không hứa hẹn nhiều. Những việc gì làm được thì nói còn chưa làm được thì chia sẻ với bà con. Những gì phát biểu thì phải làm được và thành phố cũng đã có ý kiến”, ông Tuấn nói.
Khánh Hồng