1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Thanh minh cho “làng ăn mày”

(Dân trí) - Từ quốc lộ 1A men theo con đường liên xã khoảng 5km, xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) hiện ra với những dãy nhà cao tầng mọc san sát; con người, cảnh quan đều mang một vẻ trù phú, khác hẳn cái tên gọi lâu nay: “làng ăn mày”.

Tết Nguyên đán Canh Dần, niềm vui ngập tràn xã Quảng Thái, không khí xuân hiển hiện trên từng khuôn mặt của bà con nơi đây. 
 
Thanh minh cho “làng ăn mày” - 1

"Làng ăn mày" giờ khang trang, trù phú nhờ sức lao động chân chính của những người con của làng. 

 

Ông Tô Vũ Lỵ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái - hồ hởi: “Tuy tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm 29% nhưng với những cố gắng của Đảng bộ và chính quyền địa phương cùng bà con nơi đây, trong những năm qua, xã đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong sản xuất và đời sống”. 

 

Trước đó, xã Quảng Thái vốn là một vùng quê ven biển nghèo khó của huyện Quảng Xương với dân số hơn 9.000 khẩu. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 100 héc ta, dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản.

 

Người ta đồn rằng ở Quảng Thái có cả một ngôi đền thờ thành hoàng - người khởi xướng ra tục lệ ăn mày. Vì thế người làng này toàn đi ăn xin. Giờ giàu có, ấm no thế này cũng là nhờ đi ăn mày từ Nam chí Bắc.

 

Ông Lỵ xác nhận, trước đây địa phương cũng có nhiều người đi các địa phương trong cả nước làm thuê kiếm sống. Nhất là sau cơn bão số 6 năm 1980, khiến cả một vùng quê nghèo ven biển trở nên tiêu điều, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, người dân chìm trong cơn đói khát. Không có công ăn việc làm, người dân trong xã phải ngược xuôi Bắc - Nam cầu thực.

 

Vào thời điểm đó, cả xã có khoảng 10 - 15 % người dân đi khắp nơi ăn xin, chủ yếu là trẻ em và người già. Thanh niên nam nữ cũng tha hương nhưng là đi lao động kiếm sống, xin ăn không đáng kể.

 

Cao điểm nhất của phong trào rời làng xóm đi lang thang là vào những năm 1993 - 1994. Nhiều gia đình có 2 - 3 người đi, anh đi mang theo em, người làng này đi kéo theo người làng khác,…hầu như nơi đâu cũng có người dân xã Quảng Thái làm “cái bang”.

 

Nhưng đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo xã Quảng Thái đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp dân học nghề, có vốn làm ăn, biết về quê hương tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình.

 

Đến nay cả xã đã có 4 lớp học nghề may, thêu. Lượng ngư dân làm nghề đánh bắt thuỷ hải sản so với thời điểm năm 1993 - 1994 tăng gấp 5 lần. Xã phấn đấu trong năm 2010 nâng tỷ lệ đánh bắt thuỷ hải sản lên con số 1.500 tấn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

 

Bác Lê Đình Khởi (SN 1951), thôn 2, xã Quảng Thái, tâm sự: “Từ những năm 1990 đổ về trước việc đi ăn mày ăn xin bản thân tôi cũng đi, nhưng đã hơn chục năm nay không hề có việc đó, con em chúng tôi đi lao động chân chính. Ngành nghề giờ có rồi, chúng tôi cũng có lòng tự trọng mà. Thông tin đồn đại lung tung khiến con em trong xã ra ngoài đi học, đi làm gặp nhiều khó khăn, tự ti”.

 

Ông Lỵ cho biết thêm, nhiều người hành nghề ăn xin cứ khai bừa là quê xã Quảng Thái nhưng khi gọi về địa phương xác nhận thì không phải. “Ngoài những con em của địa phương đi học hành lao động ở các công ty và đi xuất khẩu lao động, còn lại ở nhà đều có công ăn việc làm hẳn hoi. Hơn nữa trình độ dân trí ngày càng cao, người dân đã biết chăm lo cho tương lai của lớp trẻ nên chuyện ăn mày giờ đã thành dĩ vãng”.

 

Với những cố gắng và đổi thay ở Quảng Thái, có lẽ cái tên “làng ăn mày” nên cho vào câu chuyện quá khứ.

 

Duy Tuyên