1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thành lập văn phòng Bảo tồn Đa dạng Sinh học vùng sông Mêkông

(Dân trí) - Chiều 1/7, Văn phòng Chương trình Quốc gia “Chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Sử dụng Bền vững các vùng Đất ngập nước sông Mêkông” (MWBP) đã chính thức khai trương tại Hà Nội. TS. Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường được chỉ định là Giám đốc chương trình.

Chương trình tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm nhất trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên tại các vùng Đất ngập nước hạ lưu sông Mêkông. Qua đó, nâng cao năng lực tổ chức và con người nhằm phát triển các sinh kế bền vững và quản lý các nguồn đa dạng sinh học Đất ngập nước một cách sáng suốt.

 

Theo đó, mục tiêu của Văn phòng Quốc gia là phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan thực hiện tốt các hoạt động cấp quốc gia như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức tới các nhà hoạch định chính sách để thu được sự ủng hộ về vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước của Việt Nam, góp phần thực hiện Công ước Ramsar mà Việt Nam đã cam kết tham gia.

 

Góp phần xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, không phải chỉ tại điểm trình diễn, mà còn là cơ sở tham khảo, học tập cho những vùng đất ngập nước rất có giá trị về đa dạng sinh học khác của Việt Nam. Văn phòng Quốc gia còn có nhiệm vụ điều phối chặt chẽ với văn phòng khu vực để thực hiện chương trình.

 

Hiện nay, MWBP đã bắt đầu triển khai các nghiên cứu tại Vườn quốc gia Tràm Chim nhằm xây dựng Chiến lược Quản lý Nước và Hoả hoạn cho Vườn quốc gia. TS. Trần Hồng Hà nói: “Chúng tôi cho rằng, sự có mặt của Chương trình MWBP tại Việt Nam sẽ là một trong những bước khởi đầu tốt đẹp, đóng góp cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và các nước trong khu vực hạ lưu sông Mêkông”.

 

MWBP là một chương trình hợp tác do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và Uỷ hội sông Mêkông quản lý, có sự tham gia của 4 quốc gia thành viên: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), UNDP, Chính phủ Vương quốc Hà Lan, Sáng kiến Nước và Thiên nhiên (WANI) và một số nhà tài trợ khác.

 

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm