1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

(Dân trí) - Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tuyên truyền trong nhân dân về các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tối đa hậu quả của bom mìn… Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) đã được thành lập.

Tại Đại hội thành lập VNASMA diễn ra hôm qua (12/11), các thành viên của Hội đã ra mắt. VNASMA là một tổ chức xã hội, tự chủ trong thu chi, hiện đã quy tụ được hơn 200 hội viên, gồm 16 tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà khoa học, doanh nhân, trí thức, tham gia theo nguyên tắc tự nguyện. Đại hội với sự tham dự của 161 thành viên đã bầu Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng làm Chủ tịch, Hội có 5 Phó chủ tịch, Ban chấp hành, Ban kiểm tra và các tiểu ban để điều hành các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 1.

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm nhưng còn nhiều vấn đề sau chiến tranh chưa được giải quyết triệt để. Ba hậu quả luôn hiển hiện trước mắt là hàng vạn gia đình có người thân mất mát hay thương tật sau chiến tranh, đó là hàng vạn nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, và hàng triệu hecta đất trên cả nước đang còn bị ô nhiễm bom mìn. Trong ba hậu quả trên vấn đề bom mìn vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh đã và đang để lại những hậu quả tiềm tàng và hết sức nặng nề cho đất nước ta.

Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) được thành lập
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) được thành lập

Theo số liệu thống kê, riêng số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn, trong đó số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước tính 800 nghìn tấn. Kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm, tổng diện tích 6,6 triệu ha trên đất liền, chiếm 21,12% diện tích cả nước, chưa kể số bom mìn còn tồn sót trên các vùng biển. Tất cả các tỉnh, thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh nhưng nặng nề nhất là khu vực Miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc.

Để khắc phục hậu quả trên, hàng năm Nhà nước vẫn dành hơn một nghìn tỷ đồng cho việc rà phá bom mìn và hàng trăm tỷ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tái định cư cho nạn nhân bom mìn. Với nỗ lực cao như vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện được khối lượng rà phá bom mìn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với diện tích bị ô nhiễm bom mìn lớn như vậy và với năng lực tài chính còn hạn hẹp, nước ta phải mất vài trăm năm mới hoàn thành được việc rà phá và loại bỏ hoàn toàn hậu quả bom mìn.

Tham dự đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của VNASMA trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, bởi Việt Nam là một trong những nước có hậu quả bom mìn sau chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới và cũng được đánh giá là điển hình mẫu mực về rà phá bom mìn sau chiến tranh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng trong việc rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh, nhưng do số lượng bom mìn quá nhiều và nguồn lực hạn chế nên diện tích ô nhiễm còn rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công cuộc xóa đói, giảm nghèo…

Với sự ra đời của VNASMA, Phó Thủ tướng hy vọng trong thời gian tới, hội sẽ tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ, chung tay với Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Cũng tại Đại hội này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Chương trình 504 - khẳng định, Hội quy tụ sự tham gia của tướng lĩnh, cựu chiến binh, những người đã cầm súng chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, dù tuổi cao, sức yếu, vẫn tiếp tục góp sức khắc phục hậu quả chiến tranh, hồi sinh những “vùng đất chết”, mang lại bình yên thật sự cho người dân… Đó là một sự quý giá không gì lớn hơn.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, các quốc gia đã từng gây chiến với Việt Nam, mang bom mìn tàn phá Việt Nam, những nhà sản xuất ra bom đạn nước ngoài đã gián tiếp gây bao đau thương cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh và vẫn đang tiếp tục gây thương vong, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân hôm nay đều phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Châu Như Quỳnh