Thanh Hóa phát hiện sai phạm trên 200 tỷ đồng nhưng... không có tham nhũng (?!)
(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa thực hiện thanh tra hành chính 565 cuộc, phát hiện sai phạm trên 200 tỷ đồng và trên 211 ha đất, nhưng lại “chưa phát hiện được hành vi tham nhũng và không có kiến nghị điều chỉnh bổ sung chính sách, chế độ”.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy vừa ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (giai đoạn từ ngày 1/1/2011-30/9/2014).
Theo đó, một số đơn vị ở Thanh Hóa chưa bố trí phòng tiếp dân riêng (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải), xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ chưa đúng quy định (Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư); Sở Lao động-Thương binh và Xã hội không thực hiện tiếp công dân đầy đủ theo lịch…
Đáng chú ý nhất, tỉnh Thanh Hóa đã thanh tra hành chính 565 cuộc, phát hiện sai phạm trên 200 tỷ đồng và trên 211 ha đất, nhưng chưa phát hiện được hành vi tham nhũng và không có kiến nghị điều chỉnh bổ sung chính sách, chế độ.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, một số đơn vị tỉnh Thanh Hóa chưa có chương trình, kế hoạch cho công tác phòng chống tham nhũng hàng năm như: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Tài chính; Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn có việc chưa đúng quy định. Điển hình, Sở Tài chính Thanh Hóa tham mưu mua sắm ô tô năm 2013 chưa đúng chế độ, định mức; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của một số cơ quan huyện ủy, UBND xã chưa đúng tiêu chuẩn, định mức (Huyện ủy Ngọc Lặc, Huyện ủy Thọ Xuân; Trụ sở xã Quang Trung; Thị xã Bỉm Sơn; Trụ sở xã Cẩm Châu- huyện Cẩm Thủy).
Việc công khai, minh bạch trong việc mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đầu tư xây dựng chưa thực hiện công khai về việc giao vốn đầu tư hàng năm đối với các dự án. Nhiều dự án đầu tư xây dựng chưa thực hiện công khai minh bạch đầy đủ theo Luật Đấu thầu và Luật Phòng chống tham nhũng.
“Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ của nhiều sở, ngành, huyện thị còn nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện về trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học, bằng chuyên môn nghiệp vụ. Việc tuyển dụng công chức của một số sở không đảm bảo theo đúng nguyên tắc, quy định (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư)”- kết luận nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ khẳng định khả năng phát hiện tham nhũng trong đơn vị ở Thanh Hóa chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Thanh tra, Công an, Tòa án về cung cấp thông tin và tiến độ xử lý tham nhũng có một số vụ còn hạn chế.
“Để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện: Nga Sơn, Cẩm Thủy, Yên Định, Quảng Xương, Triệu Sơn; UBND thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn”- kết luận chỉ rõ.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, hạn chế đã được cơ quan này phát hiện; đồng thời xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng sở, ngành để xảy ra sai sót trong thời gian dài. Chỉ đạo các đơn vị được kiểm tra tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm hạn chế nêu trong kết luận thanh tra.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thanh Hóa chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trong tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống tham nhũng và chấn chỉnh ngay công tác công khai minh bạch về tài chính, ngân sách và chuyển đổi vị trí công tác. Quan tâm đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ làm công tá này.
“Chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng theo Kế hoạch 2100/2013 của Thanh tra Chính phủ và vụ việc được Thanh tra Chính phủ rà soát. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chấp hành quy định của pháp luật về tiếp công dân”- cơ quan thanh tra nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả tới Thủ tướng trước ngày 31/5/2016.
Xử lý hành chính 466 tổ chức, chuyển cơ quan điều tra 9 đối tượng
Theo kết luận thanh tra, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thanh tra hàng năm vào các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có trọng tâm, trọng điểm nên đem lại kết quả khả quan. Qua thanh tra phát hiện 734 đơn vị có vi phạm trong tổng số 1.260 đơn vị được thanh tra với tổng số vi phạm trên 205 tỷ đồng và 211 ha đất. Qua đó đã kiến nghị xử lý hành chính 466 tổ chức với hình thức tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và 199 cá nhân (5 cảnh cáo, 26 khiển trách, 158 kiểm điểm rút kinh nghiệm), chuyển cơ quan điều tra 3 vụ với 9 đối tượng.
Trong quá trình thanh tra, các cơ quan, đơn vị đã khắc phục, chấn chỉnh kịp thời một số khuyết điểm, vi phạm như: Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã bố trí điểm tiếp công dân riêng, bố trí cán bộ tiếp dân đúng lịch, theo quy định; các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc mua sắm trang bị ô tô, kinh phí đào tạo bóng đá trẻ đã được chấn chỉnh kịp thời; việc công khai, minh bạch trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án sân golf Quảng Cư và các dự án đầu tư xây dựng tại Khu du lịch sinh thái Quảng Cư, tuy chưa đảm bảo về thời gian nhưng quyền lợi của người bị thu hồi đất được đảm bảo.
Thế Kha