1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa khẩn cấp phòng chống cháy rừng, hỏa tốc ứng phó mưa bão

(Dân trí) - Trước diễn biến hết sức phức tạp của thời tiết nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) dự báo mạnh lên thành bão, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy rừng đồng thời hỏa tốc yêu cầu đề phòng mưa bão đang đến gần.

Nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, do tình trạng nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng. Tại Thanh Hóa, ngay từ đầu năm, địa phương này không xảy ra cháy rừng.

Thanh Hóa khẩn cấp phòng chống cháy rừng, hỏa tốc ứng phó mưa bão - 1
Do nắng nóng kéo dài, những ngày qua tại nhiều địa phương Bắc miền Trung liên tiếp xảy ra cháy rừng.

Theo dự báo trong thời gian tới, vẫn còn nắng nóng gay gắt và khô hanh kéo dài với nhiều diễn biến bất thường, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn Thanh Hóa ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm (cấp IV, cấp V). Nếu cháy rừng xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đời sống, tài sản và tính mạng của nhân dân.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tổ chức phân công lực lượng ứng trực 24/24h trong suốt thời gian nắng nóng; tiếp tục tuần tra, canh gác và bố trí các điểm chốt chặn ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để ngăn người không phận sự vào rừng; phát hiện sớm, xử lý, dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

Thanh Hóa khẩn cấp phòng chống cháy rừng, hỏa tốc ứng phó mưa bão - 2
Các địa phương tại Thanh Hóa đã diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thời gian qua.

Đối với các khu vực rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao và có người dân sinh sống trong, ven rừng phải xây dựng phương án để sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cháy rừng xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước...

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân, nhất là việc xử lý thực bì làm nương rẫy, hóa vàng mã, đốt rác...và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Các sở, ban ngành liên quan rà soát lại lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để sẵn sàng huy động, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác chữa cháy rừng khi có yêu cầu...

Chủ động cấm biển

Trong một diễn biến khác, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa (PCTT&TKCN) đã hỏa tốc yêu cầu sẵn sàng ứng phó với ATNĐ dự báo mạnh lên thành bão và có diễn biến phức tạp đang hướng vào Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa khẩn cấp phòng chống cháy rừng, hỏa tốc ứng phó mưa bão - 3
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tùy theo diễn biến áp thấp nhiệt đới, chủ động cấm biển.

Đây là cơn ATNĐ, bão đầu mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp sau đợt nắng nóng kéo dài, có khả năng kèm theo mưa lớn và giông lốc cực đoan.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thanh Hóa yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Tùy theo diễn biến ATNĐ, chủ động cấm biển.

Thanh Hóa khẩn cấp phòng chống cháy rừng, hỏa tốc ứng phó mưa bão - 4

Thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh.

Đối với khu vực đất liền, theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, bão, mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn...

Các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Duy Tuyên