Thành hình Hà Nội xanh trong đồ án quy hoạch mới
(Dân trí) - Báo cáo lần 3 về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội của liên danh tư vấn quốc tế PPJ vừa qua đã “ghi điểm” về vấn đề trục cảnh quan sông Hồng, dự báo các yếu tố về dân số đô thị…
Theo báo cáo lần 3, đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 (Liên danh tư vấn quốc tế Perkins eatsman, Posco E&C và Jina - PPJ) tập trung phát triển vùng lõi đô thị mở rộng, xây dựng 5 đô thị vệ tinh và thị trấn/làng sinh thái cũng như việc bảo tồn hành lang xanh, tạo không gian mở... Vùng lõi mở rộng gồm hai vùng chính được ngăn cách bởi sông Hồng, bao quanh đô thị Hà Nội và mở rộng ra đường vành đai 4.
Năm đô thị vệ tinh được đề xuất có vị trí ở các khu vực khác nhau bên ngoài vành đai 4. Ba đô thị vệ tinh mới sẽ nằm về vùng phía Tây, một ở phía tây của hành lang xanh, một ở phía Nam của khu vực nội thành và một ở phía Bắc của Hà Nội cũ và sông Hồng.
Hành lang xanh đề xuất bao gồm một vùng trung tâm và một phần của khu vực phía nam. Khu vực này được thiết kế giữa sông Đáy và sông Tích, không đô thị hoá đồng thời bảo tồn các khu làng hiện hữu. Hành lang xanh chiếm 70% diện tích Hà Nội, phần còn lại 30% dành cho phát triển đô thị.
Chạy dọc hệ thống đường dịch vụ trong hành lang xanh (đường cảnh quan Bắc- Nam) sẽ có 3 thị trấn, làng sinh thái tại các giao lộ chính với Quốc lộ 6, đường cao tốc Láng- Hoà Lạc và quốc lộ 32. PPJ đề xuất các thị trấn sinh thái mật độ thấp, quy hoạch qua các giao lộ chính để ngăn chặn quá trình đô thị hoá.
Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Văn phòng Chính phủ ngày 12/9/2009 nhấn mạnh, ý tưởng hành lang xanh là điểm vượt trội của Đồ án quy hoạch lần này. Hành lang xanh là nơi giao thoa của 3 hình ảnh đặc sắc về Hà Nội: “Thành phố Thủ đô”, “Thành phố sinh thái”, “Thành phố công nghiệp tri thức”.
Trong bản báo cáo lần thứ 3 về đồ án, PPJ nhấn mạnh sông Nhuệ đóng góp đáng kể vào di sản cảnh quan thành phố. Con sông sẽ giúp bảo vệ và thúc đẩy các khu vực dân cư và xóm làng hiệu hữu trong khu vực lõi mở rộng, tạo ra các không gian mở công cộng phục vụ cho dân cư hiện có và trong tương lai.
Theo đó, chiều rộng của công viên liền kề sông dao động từ ít nhất 100m từ mỗi bờ đến gần khoảng 1.500m. Đây là khoảng cách vượt hơn cả chiều rộng trung bình các công viên lớn trên thế giới.
Tượng hình Trung tâm Hành chính quốc gia tương lai
Tuy nhiên, PPJ cũng tự đánh giá vị trí đề xuất trong đô thị Hoà Lạc là vị trí thuận lợi vì hiện tại khu vực đã hình thành huyết mạnh giao thông quan trọng nhất của Hà Nội là đường Láng- Hoà Lạc, cho phép Trung tâm Hành chính quốc gia nếu được đặt tại đây sẽ tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất với các tuyến giao thông công cộng và kết nối thuận tiện với các tuyến đường.
Giới phân tích nhận định, Trung tâm Hành chính quốc gia trong tương lai mà PPJ đề xuất ngay phía bắc Hoà Lạc sẽ đòi hỏi đầu tư hạ tầng ít hơn và sẽ ít ảnh hưởng hơn đến các khu vực thiên nhiên nhạy cảm gần Ba Vì.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thời gian qua, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện kết về công tác quy hoạch Thủ đô tại các báo cáo trước đây. Báo cáo lần này đã làm rõ nhiều nội dung: Xác định tầm nhìn phát triển của thủ đô; dự báo các yếu tố về dân số đô thị; nghiên cứu và khẳng định trục cảnh quan sông Hồng, các trục giao thông xuyên tâm, các vành đai thành phố, ý tưởng cơ cấu đô thị…” Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng: “Để hướng đến đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường cần phải chú ý đến yếu tố hạ tầng cơ sở cần thiết cho người đi bộ. Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ đang bị quên lãng, là lợi thế cho đồ án khai thác”. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “3 yếu tố chính mà Đồ án cần tập trung hướng tới là giải quyết được vấn đề kết nối hạ tầng giao thông, tạo được hành lang xanh và bảo tồn được khu phố cổ”. |
P.Thảo