1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi”

(Dân trí) - Hàng quán san sát, nhà cao tầng “chen nhau” mọc lên, đường dân sinh rộng rãi gắn liền với tốc độ đô thị hoá… Đó là thực trạng của khu di tích thành Cổ Loa đã được phê duyệt bảo tồn, tôn tạo hơn 10 năm nay.

Nhìn nhận thực tại

Thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) có diện tích hàng trăm ha và chiều dài đường thành gần 16 km, đã được xếp hạng từ năm 1962. Thế nhưng, toà thành ốc độc nhất vô nhị trên thế giới đang cận kề nguy cơ bị “chôn vùi”!

Theo truyền thuyết kể lại thì toà thành ốc có 9 lớp nhưng hiện nay chỉ còn 3 lớp là thành trong, thành giữa và thành ngoài. Trong những năm qua, khu di tích Cổ Loa mới chỉ tu bổ, tôn tạo được Đình Ngự Triều Di Quy, Đền thờ An Dương Vương, Am Mỵ Châu; một số đình, chùa, miếu và tiến hành khai quật khảo cổ học ở vài địa điểm.

Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 1
 
Thành trì thấp hơn nhà dân?!

Người dân tập trung sinh sống trên mặt thành và giữa các vòng thành cổ hàng trăm năm nay. Thành nội “bao bọc” trọn vẹn dân xóm Chùa và xóm Chợ, còn nhiều xóm khác thì nhà xây san sát ở thành ngoại.

Mặc dù đã có quy định cấm người dân không được xây nhà cửa cao hơn thành song hiện nay hàng trăm ngôi nhà cao tầng, biệt thự vẫn “đua nhau” mọc lên cao gấp đôi, gấp 3 thành trì.

Đường dân sinh rộng rãi khiến người dân mở hàng quán, dịch vụ, kinh doanh, buôn bán tấp nập. Đặc biệt, nhiều năm nay, giếng ngọc của toà thành trở thành nơi đổ rác, giặt rũ của người dân và “được” UBND xã Cổ Loa, Ban quản lý sử dụng để “nuôi cá”?!
 
Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 2
 
Giếng ngọc là chỗ để giặt rũ...
 
Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 3
 
...và nuôi thả cá.

Thực tế, dù các hộ dân sống trên đất ông cha, được cấp sổ đỏ trên đất thành cũng là chuyện cần phải tìm cách giải quyết, thế nhưng việc các hộ gia đình mới đang “chiếm thành” để tiếp tục “mở rộng” việc xây dựng nhà cửa, kinh doanh, buôn bán trong khu di tích là vi phạm không thể chối cãi thì lại không được ngăn chặn?!

Theo thống kê, trên mặt thành có 233 và hơn 500 hộ dân sinh sống ở đường thành, mặt hào trở thành các khu canh tác của người dân (số liệu điều tra của Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội và UBND xã Cổ Loa).

Ông Nguyễn Đăng Sơn (Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa) cho biết: “Người dân đã sinh sống ở đây mấy trăm năm, có sổ đỏ. Tôi cho rằng việc người dân mở hàng quán kinh doanh trong khu di tích không phải là lấn chiếm thành. Còn ở giếng ngọc, trước năm 2000, UBND xã cho thầu thả cá nhưng từ khi giao lại cho BQL khu di tích thì bảo vệ của BQL thả cá”.

Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 4
 
Các loại dịch vụ trong thành cổ?!

Có thể nói, việc dân cư sống trong thành, xây dựng nhà cửa, kinh doanh, buôn bán một cách “danh chính ngôn thuận” trong đất thành khiến cho việc “phân định” giữa nhà và thành là chuyện không thể.

Bảo tồn, tôn tạo - hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ thông qua “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội”. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giao UBND TP Hà Nội lập “Báo cáo nghiên cứu khả thi” trình Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, quá trình này kéo dài nhiều năm vẫn chưa hoàn tất, kèm theo đó là một số quy định mới của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng được ban hành yêu cầu đối với Dự án thành Cổ Loa cần có quy hoạch chi tiết.

Cho đến cuối năm 2002, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết khu vực di tích Cổ Loa, tỷ lệ 1:2000, phạm vi 830 ha” (Dự án tiền khả thi là 484 ha). Trong đó, hoạch định “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển các khu di tích” đến năm 2020.

Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 5
 
Đường dân sinh mở sát cửa đền thờ An Dương Vương.

Anh Tuấn (ở thôn Chùa, xã Cổ Loa) cho hay: “Gia đình tôi sống trên đất ông cha để lại, có sổ đỏ đàng hoàng nhưng bị liệt vào danh sách phải di dời để phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo.

Người dân chúng tôi sẵn sàng di dời nếu Nhà nước có sự đền bù thoả đáng, nhưng chờ nhiều năm nay vẫn không thấy gì nên tôi phải xây nhà để ở chứ không thể chờ mãi yêu cầu giải phóng mặt bằng được…”.

Chính phủ đã thông qua, UBND TP đã phê duyệt, thế nhưng hơn 10 năm qua việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích thành Cổ Loa vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”. Vậy đâu là nguyên nhân? Vai trò và trách nhiệm của đơn vị quản lý là gì?
 
Thành Cổ Loa cận kề nguy cơ bị “chôn vùi” - 6
 
Nhà tiếp tục được xây cao?!

Trao đổi với PV Dân trí với thái độ “miễn cưỡng”, ông Nguyễn Đức Thắng (Trưởng Phòng Quản lý di tích, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội) nói: “Việc tôn tạo, khôi phục di tích chậm là do khu di tích nằm trong khu vực dân cư; làng xã chưa được hoạch định nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích.

Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa là 1 dự án lớn, mang tính đặc thù là một công trình văn hoá, thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài từ năm 1995 đến nay và đã trải qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, các quy định của Nhà nước về quản lý và xây dựng. Quy hoạch mới mới bắt đầu được khởi động”.

Cho tới thời điểm này, thành Cổ Loa đã bị mất đi hơn 20% tổng diện tích. Toà thành ốc có một không hai trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị “chôn vùi”, nếu như không sớm có biện pháp cấp bách cứu vãn tình thế thì đến đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích thành Cổ Loa chỉ còn là "dấu vết".
 
Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm