Tháng an toàn giao thông: Vẫn “xe dù, bến cóc”
(Dân trí) - Từ 1/9, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân thực hiện “Tháng an toàn giao thông”, tuy nhiên theo ghi nhận của Dân trí, mấy ngày qua nạn “xe dù, bến cóc” vẫn ngang nhiên tồn tại trên quốc lộ 2, đoạn từ TP Việt Trì (Phú Thọ) về Hà Nội.
Từ bên vệ đường…
Bất kỳ đoạn đường nào của QL 2 xuất phát từ TP Việt Trì, dù trong thành phố hay ngoài huyện, đường cao tốc hay cầu vượt… chỉ cần thấy khách “lơ ngơ” đứng bên lề là các tay “lơ” đã nhanh nhảu vẫy gọi, nhảy xuống mời đón, thậm chí là “lôi” khách lên xe.
Trên tuyến lộ này có rất nhiều bến dù “nổi tiếng” như: Tiên Cát, Thọ Sơn, Gia Cẩm, cầu Việt Trì, Quán Tiên, Hương Canh, Kếu, Phúc Yên, ngã tư Nội Bài…
| |
Các "thượng đế" ngóng "xe dù". |
QL 2 có lượng khách và mật độ xe lưu thông khá lớn. Tuy nhiên xe dù “tự biết” phân luồng “vượt” bến quy định để bắt khách dọc đường. Xe nọ “cướp” đường, “giật” khách của xe kia bằng cách chạy nhanh, ẩu để vượt lên. Điều này không chỉ làm mất trật tự giao thông mà còn đe doạ đến tính mạng của người đi trên đường.
Tại các “bến cóc”, nhà xe có 1 lực lượng “cò mồi” hùng hậu tiếp sức. Cò mồi là các bà bán nước ven đường, người bán hàng rong, xe ôm... có nhiệm vụ tìm khách rồi làm công tác tư tưởng để khách yên tâm chờ xe. Khi xe đến, cò mồi ra hiệu và cùng với các tay lơ đẩy khách lên xe.
| |
Cò "đòi" tiền câu khách. |
Dĩ nhiên cò mồi chẳng làm việc này không công. Cò “câu” được 1 khách thì được nhận 5.000 - 10.000 đồng từ nhà xe. Nhiều khách thì nhiều tiền và tuỳ vào đoạn đường khách đi để chia hoa hồng.
Dù xe mang mác chất lượng cao hay xe chợ thì khách đều bị “hành”. Phần lớn các chủ xe chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên tại bến xe buýt hay trên đường cấm, cứ có khách là xe dừng đỗ để đón lên.
… Đến trong xe
Để khỏi phải vào bến chờ, nhiều người dân vẫn có thói quen bắt xe trên đường cho “tiện”. Nhưng bắt được xe là 1 chuyện còn ngồi trên xe rồi lại là chuyện khác. Thực tế, có không ít “thượng đế” đã phải kêu trời khi lên đến xe.
Chị Hà (đi tuyến Việt Trì - Mỹ Đình) bức xúc: “Lên xe rồi nhà xe chỉ biết thu tiền chứ không để ý xem khách thế nào. Ai kiếm được chỗ thì ngồi, đàn ông, đàn bà, già hay trẻ cũng như nhau tất”.
Nhà xe ra sức bắt khách, càng nhiều càng tốt vì thế trong xe, chỉ khoảng 1 nửa số khách được ngồi ghế (cả ghế chính, phụ và ghép), số còn lại thì trong tư thế ngồi không được mà đứng cũng không yên và bất chợt lơ xe áp sát quát mua vé.
Nói là mua vé nhưng thực chất nhà xe chỉ thu tiền mà không phát vé. Không có 1 cái giá cụ thể nào, đi đoạn đường xa hay gần nhà xe cũng phát giá như nhau nếu khách không biết mặc cả. Từ TP Việt Trì hay từ Hương Canh đến Mỹ Đình chủ xe đều quát 30 - 40.000 đồng (từ Hương Canh đến Mỹ Đình chỉ bằng 1/2 từ TP Việt Trì - PV).
| |
"Lôi" khách lên xe. |
Hầu hết các xe đều chở quá tải so với quy định. Xe 40 chỗ thì nhà xe phải “nhồi” cho bằng được 60 người mới chịu đóng cửa, còn xe 24 chỗ thì cũng phải gần 40 khách mới yên vì thế trong xe luôn có sẵn những chiếc ghế nhựa đi kèm.
Chiều 2/9, trong vai hành khách, PV Dân trí bắt chuyến xe đi từ ngã ba Hương Canh đến bến Mỹ Đình. Khi xe còn chưa dừng hẳn, lơ đã nhảy xuống khẳng định "còn chỗ", thế nhưng khi bước lên mới thấy xe không còn 1 chỗ trống và cũng không thể bước xuống.
Chiếc xe chỉ 24 chỗ mà lượng khách trong xe lúc đó chừng 40 người. Xe chở quá tải như vậy nhưng suốt hành trình không hề bị CSGT dừng kiểm tra và trong suốt tuyến cũng không hề thấy có bóng dáng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Vẫn biết để xoá nạn “xe dù, bến cóc” không phải chỉ trong ngày một ngày hai, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nạn “xe dù, bến cóc” không những không thuyên giảm mà ngày càng phức tạp. Nhà xe vì lợi nhuận, người dân thì vì tâm lý “tiện” nhưng đáng lưu ý hơn cả là các cơ quan chức năng liệu đã làm triệt để?
Châu Như Quỳnh