1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thăm “vua hoa lan” và “vua kiểng thú”

Sau mỗi chậu hoa đẹp, cây kiểng lạ trưng bày ở Hội Hoa Xuân TPHCM hằng năm, có những câu chuyện đầy ý vị.

Hôm nay, đoàn xuống Bến Tre để gặp “vua hoa lan và vua kiểng thú”. Ông Võ Văn Êm, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, giới thiệu ngắn gọn khi điện thoại rủ tôi. Đây là một trong những chuyến đi cuối cùng của các “tay săn” (cán bộ, kỹ sư chuyên ngành của công ty và các nghệ nhân) hoa, cây kiểng lạ, chuẩn bị cho Hội Hoa Xuân Mậu Tý của TP.

 

Tri kỷ hoa lan

 

Khác với tưởng tượng của chúng tôi, nghệ nhân Kim Tuấn, người được mệnh danh là “vua hoa lan”, còn khá trẻ. Nhìn vườn hoa lan đẹp rực rỡ cũng như các tấm huy chương vàng của nghệ nhân này đoạt được từ những cuộc thi hoa cảnh, cả đoàn ai cũng nể phục.

 

Dẫn chúng tôi đi xem hàng loạt chậu lan xanh mướt, sung mãn, chưa ra hoa, anh niềm nở: “Mấy anh đã cất công xuống tận đây thì mấy chục chậu lan này tôi sẽ đem lên TP dự Hội Hoa Xuân. Chúng sắp ra hoa rồi, đúng Tết là nở rộ”. Tôi hoài nghi: “Lan khó tính lắm, làm sao biết chắc giờ nào nó sẽ nở?”. Chị Thanh Kim, vợ anh Kim Tuấn, nói chắc nịch: “Chậu lan nào sắp ra rễ, nhú mầm, mọc lá, ổng còn biết trước nữa là...”.

 

Anh Tùng, một người dân địa phương đến mua hoa, góp chuyện: “Ở vùng này một năm có đến ba tháng nước bị nhiễm mặn không uống được. Bà con ai cũng hứng nước mưa để uống, chỉ có ông Kim Tuấn trữ nước để tưới lan”. Tôi hỏi về bí quyết trồng lan, nghệ nhân Kim Tuấn bộc bạch: “Kỹ thuật thì rất đơn giản, nói sơ qua ai cũng biết, nhưng để trồng được chậu lan quý, ra hoa đẹp thì bắt buộc mình phải yêu thương, xem nó như tri kỷ”.

 

Vào vương quốc kiểng thú

 

Qua hai chuyến phà, chúng tôi đến Chợ Lách - Bến Tre lúc trời ngả về chiều. Nhiều người trong đoàn đang ngủ gà ngủ gật chợt tròn mắt tỉnh rụi khi xe chạy vào khu vườn kiểng thú của nghệ nhân Năm Công.

 

Trước mắt chúng tôi là vô số rồng, khủng long, trâu, bò... bằng cây kiểng to lớn sừng sững như thật. “Đúng là vương quốc kiểng thú” - kỹ sư Thương Huyền, “tay săn” nữ duy nhất trong đoàn, thốt lên thích thú. “Quả thật kỳ công mới làm nổi vườn kiểng thú thế này”- nghệ nhân Nguyễn Sáu, thành viên Ban Cố vấn Hội Hoa Xuân TP, cũng buột miệng thán phục.

 

“Vua kiểng thú” Năm Công dẫn chúng tôi vào một cái chòi làm bằng cây kiểng mát rượi, giới thiệu: “Để làm chòi này, cũng như các con thú, tôi phải giâm nhánh cây dừa tàu mất 4-5 năm, sau đó mới kết thành thú. Cái khó là phải giữ được rễ cây, để kiểng không bị chết”. Thoạt đầu, nghệ nhân Năm Công có vẻ không mặn mà với việc gửi thú kiểng lên TPHCM dự Hội Hoa Xuân vì ngại đường sá xa xôi. Mọi người trong đoàn thuyết phục mãi, ông mới xiêu lòng chấp nhận.

 

Thuyết phục bằng tấm lòng

 

“Trước đây, có chuyến, chúng tôi phải đi mất 3-4 ngày, nhưng không thuyết phục được ai gởi hoa, kiểng đến Hội Hoa Xuân TP”- anh Trần Quang Vũ, “tay săn” phụ trách về mai, sứ, cho biết. Anh kể: “Đầu năm nay, nghe tin ở huyện Hoài Nhơn - Bình Định có một nghệ nhân trồng được nhiều chậu mai rất độc đáo, thế là anh em tức tốc lên đường. Đường vào nhà nghệ nhân này nhỏ hẹp, lầy lội, cả đoàn phải cuốc bộ mấy cây số. Đến nơi, chưa kịp mừng rỡ khi thấy những chậu mai tuyệt tác, chúng tôi đã muốn xỉu ngay vì nghệ nhân này từ chối, không muốn gửi mai dự Hội Hoa Xuân. Anh em phải đóng đô ở đó mấy ngày để thuyết phục ông cho bằng được”.

 

Nghệ nhân Nguyễn Sáu chia sẻ: “Để trồng được một chậu hoa, cây kiểng quý, nghệ nhân mất rất nhiều công phu. Do đó họ rất ngại vận chuyển đi xa vì cây dễ bị hư. Vả lại, ai cũng nghĩ rằng một năm chỉ có vài ngày Tết, nên hoa, kiểng nào đẹp phải giữ lại chưng. Các nghệ nhân chỉ đồng ý gửi những tác phẩm kỳ công của họ dự Hội Hoa Xuân khi thấy anh em trong đoàn thật sự trân trọng, yêu quý chúng. Đối với nghệ nhân, mình phải thuyết phục bằng tấm lòng”.

 

“Ít ai biết được, sau mỗi chậu hoa đẹp, cây kiểng lạ trưng bày ở Hội Hoa Xuân TPHCM hằng năm, có những câu chuyện đầy ý vị” - ông Võ Văn Êm nhận xét. Ông cho biết từ đầu năm 2007, đoàn đã đi rất nhiều tỉnh, TP để tìm kiếm các kỳ hoa, dị thảo. Anh em trong Công ty Công viên Cây xanh TP cũng thường lên mạng Internet để tìm kiếm các trang web về hoa, cây kiểng ở nước ngoài, sau đó gửi email mời chủ nhân đưa hiện vật sang dự Hội Hoa Xuân TP.

 

Theo Trung Thanh

Người Lao Động