1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Ninh:

Tham vấn cộng đồng về dự án xử lý chất thải ven sông Cầu

Thế Kha

(Dân trí) - Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh), công suất khoảng 1.000 tấn chất thải/ngày, được tham vấn cộng đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn ý kiến cộng đồng về Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh; Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến (trụ sở tại thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) làm chủ đầu tư.

Theo quyết định chủ trương đầu tư do UBND tỉnh Bắc Ninh cấp năm 2018, nhà máy với công nghệ lò đốt, xử lý các loại chất thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt, y tế với công suất khoảng 1.000 tấn chất thải/ngày.

Tham vấn cộng đồng về dự án xử lý chất thải ven sông Cầu - 1

Phía Bắc và Tây Bắc của Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) giáp với đê sông Cầu (Ảnh: Công ty Việt Tiến).

Công ty Việt Tiến đã hoàn thành 12/16 hạng mục, công trình sản xuất và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, năm 2018 được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Do giấy phép xả thải sắp hết hạn (11/4/2024) nên Công ty Việt Tiến lập báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 08/2022 của Chính phủ.

Doanh nghiệp không bổ sung hệ thống mới so với giấy phép thành phần đã cấp, nhưng xin tăng công suất tất cả các hệ thống khác đang hoạt động từ 16 giờ lên 24 giờ/ngày.

Các hạng mục doanh nghiệp sẽ đầu tư trong thời gian tới gồm: Hệ thống tái chế nhôm, kẽm, thiếc công suất 3.000 kg/giờ; hệ thống xử lý pin thải, công suất 1.000 kg/giờ; hệ thống tái chế và sản xuất các sản phẩm nhựa, công suất 4.000 kg/giờ.

Đối với hệ thống xử lý và chất thải lỏng công suất 60 m3/ngày, công ty này đã đầu tư và được cấp phép. Tuy nhiên, sau khi đầu tư hệ thống xử lý và chất thải lỏng công suất 500 m3/ngày, công ty đã phá bỏ và không xin cấp phép nữa.

Báo cáo khẳng định, toàn bộ các hạng mục công trình nêu trên được xây dựng và lắp đặt nằm trong khu đất cũ đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích trên 20.900 m2. Công suất hoạt động của nhà máy sẽ trên 810 tấn/ngày.

Từng dính nhiều vi phạm và khẳng định đã nộp phạt đủ

Đáng chú ý, báo cáo đề xuất cấp phép môi trường phản ánh, tháng 8 vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đã chỉ ra nhiều vi phạm của Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến.

Cụ thể, công ty xả nước thải vượt quy chuẩn từ 1,5 lần đến dưới 2 lần trong trường hợp thải lượng nước từ 20 m3/ngày đến dưới 40 m3/ngày. Thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/h đến dưới 15.000 m3/h. Hệ thống quan trắc liên tục tự động đối với nước thải chưa có thiết bị báo cháy, báo khói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt tổng số tiền trên 372 triệu đồng và Công ty Việt Tiến nói đã nộp phạt.

Tại báo cáo tham vấn cộng đồng, Công ty Việt Tiến cam kết xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường; đảm bảo vận hành tốt hệ thống xử lý khí thải lò đốt chất thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt. Nước thải sau xử lý đảm bảo đạt chuẩn trước khi tái sử dụng hoặc xả ra môi trường; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, tự động, liên tục trước ngày 1/1/2025.

Đặc biệt, Công ty Việt Tiến cam kết hiện không tồn tại bất kỳ vấn đề môi trường cần khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo đề xuất cấp phép môi trường cho thấy, tiền thân của nhà máy xử lý chất thải rắn này là Công ty TNHH Hùng Hưng Môi trường xanh. Năm 2015, nhà máy được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Môi trường VK.

Cuối năm 2016, Công ty TNHH Môi trường VK sáp nhập vào Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến. Năm 2017, Công ty Việt Tiến làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại vào tháng 6/2020.