1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thăm trại huấn luyện chó vệ sĩ

Một luật sư đã viết "người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta". Nhân năm Bính Tuất, hãy ghé thăm Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ PDS ở TP HCM.

"Chào", khẩu lệnh vừa phát ra, cả 10 chú cẩu đang nằm yên đồng loạt đứng dậy, ngoan ngoãn giơ hai chân ra trước mặt. Trên bãi tập rộng chừng 3.000 m2, màu áo xanh trang phục của các huấn luyện viên quyện lẫn màu lông vàng, đen, trắng của các vệ sĩ bốn chân trong những bài tập vượt chướng ngại vật và bắt mục tiêu di động.

Theo khẩu lệnh, 10 chú cẩu răm rắp hết bò, trườn, chạy, nhảy lại lao vút theo một đồ vật mà huấn luyện viên tung ra. Một huấn luyện viên nữ chỉ cần xòe bàn tay chếch 45 độ, học trò cẩu ngồi; bàn tay đưa ngang là học trò nằm; bàn tay dựng cao là các chú cẩu chào...

Sau 20 phút của bài học cơ bản, các học trò cẩu được chuyển sang tập bài bảo vệ. Nào là tập gác vật, cắp vật, canh vật, tuần tra, phục kích, truy kích... Giữa phòng tập, huấn luyện viên Thoan và chú chó Micky 8 tháng tuổi bắt đầu tập bắt mùi vị. Thoan buộc Micky phải hít thật sâu mùi lạ trong một chiếc khăn rồi tìm chiếc khăn có mùi tương tự trong dãy khăn cùng màu đặt trước mặt. Sau ba vòng đảo người, Micky nhặt chiếc khăn ngoài cùng về và được nhận lời khen rất giỏi.

Làm thêm 3 lần nữa, Micky phải nhường chỗ cho cô nàng Mếch. Mới đi học được gần 3 tuần, tính kỷ luật của Mếch chưa cao, nên cô Thoan phải thường xuyên nhắc nhở. Thoan bảo: "Bướng vậy, nhưng Mếch rất có năng khiếu trong tìm vật". Quả vậy, chỉ đảo qua một vòng, Mếch đã bắt được chiếc khăn cần tìm.

Thày không được quát trò cẩu

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, đội trưởng đội đặc nhiệm của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ PDS, cho biết, mỗi bài tập kéo dài trong 3-4 tháng. Có những ngày họ phải cho học trò tập đi tập lại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần một nội dung nào đó. Lý do chỉ vì hôm ấy chúng nổi hứng thích ngó lơ hơn là học. "Nhiều lúc bực lắm, nhưng vẫn không được mắng vì dễ làm nó hoảng sợ. Nếu sợ, chúng không nghe theo lời mình nữa còn khốn khổ hơn".

Mới bắt đầu tập, có chú chó quen rất nhanh, nhưng có chú phải tốn nhiều thời gian. Thậm chí huấn luyện viên phải chiều theo thói đỏng đảnh của nó mà không được quát mắng. Ban đầu, khi đưa ra các khẩu lệnh như đứng, ngồi, nằm, bò..., huấn luyện viên phải kèm theo các cú giật dây cương. Khi chúng đã quen mới tháo bỏ dây cương và kết hợp khẩu lệnh với động tác. Chỉ một chú chó đang học lệnh bảo vệ đồ vật, cô huấn luyện viên trẻ tên Nga, nói: "Khi nghe lệnh, chó chỉ chăm chú nhìn cái cassette thôi, nếu người lạ đi xung quanh thì nó không được cắn. Còn nếu đụng tay vào cassette thì hãy coi chừng".

Mua chó xem... chủ

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Hà, khi mua chó về huấn luyện, trung tâm chú trọng từ khâu tuyển chọn. Sau khi hỏi thông tin về giống, nếu đến nhà thấy chủ ngăn nắp, sạch sẽ, cẩn thận thì trung tâm mới mua, bởi "chó hay giống tính chủ, ông nào bừa bãi thì có mang chó về cũng rấ khó dạy". Tiếp đến là kiểm tra độ thông minh, tinh nhạy của chó. Con khôn sẽ thể hiện ngay từ hành vi đầu tiên. Ví dụ khi ném găng tay ra sân, một con chó năng động, dũng cảm sẽ chạy tới chiếc găng, còn con nhút nhát sẽ đi tới với vẻ sợ sệt, hít ngửi rất lâu hoặc chạy trốn. Hay khi đặt nó lên bàn, con khôn sẽ không nhảy ngay xuống mà rón rén tìm đường đi thật an toàn.

Đối với loại chó do khách gửi đến nhờ huấn luyện thì khó khăn hơn. Nga kể, sau khi nhận chó, những ngày đầu cô chỉ dẫn chúng đi dạo, đi bơi. Lúc rảnh thì xoa đầu, vuốt ve, bắt rận cho nó. Với cách khởi đầu thế này, chủ - tớ sẽ rất dễ gần nhau. Có như thế mới dễ hướng chúng vào những bài học nâng cao thể lực.

Tình cảm và trung thành

Vừa mân mê đôi tai dựng đứng của một con bécgiê Đức, một huấn luyện viên vừa kể về cá tính của học trò có cái tên rất nữ tính -Mimôsa. "Nó nặng gần 50 kg, hơn cả trọng lượng của em, nghịch ngợm lắm, nhưng tình cảm ra phết đấy. Dường như nó đọc được ý nghĩ của chủ. Chủ cáu giận hay vui mừng nó biết cả".

Với đội trưởng Nguyễn Quốc Tuấn thì trong 10 năm làm việc tại trung tâm, mỗi học trò là một kỷ niệm riêng. Ngày đầu tiên đi làm, Tuấn được giao huấn luyện một chú chó bécgiê 7 tháng tuổi. Anh đặt tên nó là Bin. Bin rất khôn, tiếp thu nhanh, chỉ sau một tháng huấn luyện đã có thể làm đủ mọi động tác. "Nhiều lúc mình không nghĩ nó là con vật nữa. Có hôm Bin ốm, mình đưa cả lên phòng ngủ, cùng bón cơm cho nó. Sống bên nhau được 5 tháng, một khách sạn ở Đà Nẵng đã mua nó để làm bảo vệ. Hôm về chỗ mới, thày trò bịn rịn nhìn nhau, nó biết nên nhất định không chịu lên xe. Ánh mắt nó ươn ướt như trách móc. Mình phải đưa nó lên xe, vừa xoa đầu, vừa động viên thì cu cậu mới chịu đi. Lúc đó mình đã khóc. Những học trò sau này mình cũng thường thích đặt tên là Bin", anh Tuấn kể.

Anh Nguyễn Mạnh Hà tiếp lời, năm ngoái, hai vệ sĩ và chú chó Vốtka được gửi đến làm công tác bảo vệ tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đức Giang (Hà Nội). Khi ấy, vì một sự hiểu lầm, hàng trăm người dân trong vùng đã đến bao vây doanh nghiệp. Họ giận dữ dùng gạch, đá tấn công khiến hai vệ sĩ bị thương. Trong lúc hỗn loạn, rọ mõm của Vốtka tuột ra, song con chó to lớn với hàm răng nhọn sắc đang bị chọc giận ấy lại không lao vào tấn công người dân. Nó đứng lặng giữa trận mưa đá cho đến khi kiệt sức. "Đó là cái chết lẫm liệt của một con chó dũng cảm và trung thành", anh Hà tiếc nuối.

Theo Pháp Luật TP HCM