1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai

(Dân trí) - Năm nay giá lá thuốc lá lên cao khiến người nông dân đông nam tỉnh Gia Lai rất vui mừng. Cây thuốc lá từ lâu đã là nguồn thu nhập chính ở vùng đất được coi là “thủ phủ” thuốc lá này (với diện tích 3.500 ha trong tổng số 39.000 ha trên cả nước).

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 1
Bạt ngàn cây thuốc lá ở “thủ phủ” thuốc lá Gia Lai
 
Có thâm niên trồng thuốc lá hơn 5 năm nay, ông Lê Hồng Trường (thôn Kơ Nia, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) cho biết: Thuốc lá là loại cây chịu hạn rất tốt, được người dân nơi đây trồng vào mùa khô từ tháng 11 (âm lịch). Đến khi ăn tết xong người dân mới bắt đầu thu hoạch lá thuốc lá, kéo dài cho hết tháng 3 âm lịch.

 

Trung bình mỗi 1 sào thuốc lá cho thu hoạch 3 đến 5 tạ lá thuốc khô. Giá bán thời điểm hiện tại là 60 nghìn đồng/kg lá khô vàng (tăng gần gấp đôi so với cùng kì năm trước) và 10 nghìn đồng/kg lá sấy bị hỏng. Với người dân trồng thuốc lá, kĩ thuật thu hoạch đã quan trọng nhưng kĩ thuật sấy còn quan trọng hơn gấp bội. Thu hoạch lá thuốc lá không được ồ ạt, mỗi lần thu hoạch chỉ được lấy 3-4 lá/cây, đó là những lá dưới cùng của thân cây mới già và đã ngả sang màu vàng.

 

Sau khi thu hoạch về, lá thuốc sẽ được xâu vào những chiếc gậy dài chừng 1,5m và xếp vào lò sấy trong vòng 7 ngày. Đây là 7 ngày rất quan trọng. Người dân phải thường trực ở lò sấy cả ngày lẫn đêm vì giai đoạn này quyết định chất lượng hàng và số tiền sẽ thu về.

 

Người ta sẽ dùng củi hoặc trấu để sấy thuốc. 2 ngày đầu tiên phải giữ cho nhiệt độ trong lò là 38 độ C để lấy màu vàng cho lá. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 nhiệt độ phải ở vào khoảng 45- 50 độ C nhằm thoát nước cho lá, ngày thứ 7 nhiệt độ từ 60 - 70 độ C để sấy khô cọng của lá thuốc. Và cuối cùng là mở cửa lò cho không khí bên ngoài ùa vào làm cho lá thuốc dịu lại sau 1 đêm, rồi mới mang thuốc buộc thành bó, chờ thương nhân đến mua.

 

Một lò sấy tiêu tốn khoảng 2 triệu tiền chất đốt trong mỗi đợt sấy. Thuốc lá lại là loài cây độc hại, chính vì vậy thời gian này nó cũng xả ra môi thường một lượng khí thải không nhỏ.

 

Là một người dân trồng thuốc lá ở xã Kơ Nia, chị Lan chia sẻ: “Dân ở đây toàn là dân kinh tế mới từ ngoài Bắc vào, đất nơi đây lại luôn khô hạn nên nếu không có cây thuốc lá chắc không ai trụ nổi. Dù biết nó ô nhiễm nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải làm thôi. Ở đây đến cả lá cây cũng đen xì vì khói từ lò sấy thuốc lá thải ra...:.

 

Về đến thôn Kơ Nia những ngày này, hàng trăm hộ trong thôn đều đang cho những lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất. Hàng trăm ống khói đua nhau “nhả” hơi, cộng thêm cái nóng của mùa khô cao nguyên, khiến người mới đến đây cứ ngỡ mình đang nằm trong lò sấy thuốc.
 

 
Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 2
Mỗi đợt chỉ thu hoạch 3-4 lá/cây

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 3

Những bông hoa thuốc lá nở rộ cũng là lúc mùa thu hoạch thuốc lá bắt đầu xong

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 4

Bàn tay hái thuốc đen xì bởi nhựa từ lá

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 5

Xâu thuốc để chuẩn bị sấy

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 6

Một lò sấy đang hoạt động

Thăm “thủ phủ” thuốc lá ở Gia Lai - 7
Những bó thuốc chờ thương nhân đến mua với giá 60 nghìn đồng/kg.
 

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm