Thăm nơi chôn cất hàng trăm con cá voi
(Dân trí) - Nghĩa trang “ông ngài” là nơi chôn cất hàng trăm con cá voi bị chết, xác dạt vào bờ biển, đã tồn tại hàng trăm năm nay, nằm yên lành sau những vạt dương bên bờ biển thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Nghĩa trang “ông ngài” cứ tồn tại như vậy cùng với tập tục thờ cúng của dân làng chài Thuận An và cả xã đảo Tam Hải đối với cá voi, còn gọi là cá ông. Giờ đây, khi dự án di dời tất cả những hộ dân của xã đi định cư nơi khác đang thành hình, bà con lại day dứt nỗi buồn về sự an nguy của lãnh địa cá voi này.
Hàng trăm ngôi mộ “ông ngài”
Chúng tôi tìm đến nghĩa trang “ông ngài” khi mặt trời đã đứng bóng trên mặt biển Đông, ánh nắng chói chang toả xuống mặt nước non xanh và núi Bàn Than của dải đất hình bầu dục Tam Hải càng khiến khung cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp đến lạ kỳ.
Nghĩa trang “ông ngài” nằm khép mình trong rừng phi lao xanh ngút ngàn, chỉ có những luống đất, phía dưới chỉ đặt hai viên đá o ng để đánh dấu sự tồn tại của một ngôi mộ.
Ông già Lê Xuân Nguyên năm nay đã 70 tuổi, nước da bánh mật, dáng vóc quoắc thước dẫn chúng tôi đi thăm từng ngôi mộ. Ông bảo rằng khi ông sinh ra thì những ngôi mộ này đã hình thành, cách đây ít năm trở về trước thì năm nào cũng có “ông” dạt vào.
Dẫn chúng tôi qua một ngôi mộ “ông” ngài nằm riêng lẻ, đó là một gò đất rộng chừng 80m2, ông Nguyên bảo: “Đó là mộ của mệ (cá voi cái) mà dân làng chôn cách đây cũng gần 40 năm rồi. Lúc thấy mệ dạt vào bờ, cả dân làng phải huy động toàn bộ thanh niên mới đưa mệ vào được đây, chí ít cũng khoảng mười tấn”.
Rồi ông dẫn chúng tôi cắt rừng phi lao đi qua một dải đất nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây cối. Ông bảo đó là nghĩa địa chính thức của “ông ngài”, tập trung hơn 100 “ông”. Thoáng trông nó giống như những luống đất được người dân vun lên để chờ trồng cây. Nghĩa địa được chia thành 4 hàng ngang, thứ tự chôn cất cũng theo tháng năm chết của các “ngài”, “ngài” nào chết trước được chôn cất phía trên. Theo cách tính của ông Nguyên thì nghĩa địa này có tới hàng trăm “ông bà” đang an nghỉ.
Thắp nén nhang lên các “mộ phần”, ông già Nguyên trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm ra biển. “Các “ngài” thiêng lắm, khi biết mình chết thì bơi vào gần bờ, con người gặp đưa ra biển thì các “ngài” cũng tự bơi vào thôi”.
Rồi ông bồi hồi kể lại chuyện hai “ngài” đã cứu dân làng mình trong những trận mưa bão trên biển Đông. Những năm đó, ngư dân đi biển không có động cơ như bây giờ, thuyền chạy được chỉ nhờ vào những cánh buồm và sức người chèo chống.
Ông nội của ông Nguyên là một thương gia chuyên buôn bán cối đá từ Sài Gòn ra Hội An, Huế. Một lần thuyền ông đang thong dong giữa biển khơi thì cơn bão ập tới, thuyền xoay như chong chóng, mây đen kéo về mù mịt, lát sau mưa ngất trời. Con thuyền chòng chành như chiếc lá giữa biển khơi bão tố. Ông thắp ba nén hương rồi hú ba tiếng, sau chừng 5 phút thì có hai “ông ngài” xuất hiện hai bên mạn thuyền để kẹp chặt không cho con thuyền lắc lư. Khoảng chừng ít phút sau thì cơn bão tan, và hai “ông ngài” bơi đi mất.
Ông Nguyên bảo: “Dân đi biển chúng tôi thường kể cho nhau rằng mỗi khi có bão xuất hiện mà có các “ngài” đến thì bão sẽ tan ngay. Chính vì thế mà dân làng chài đều kính trọng các “ngài”.”
Ông Nguyên còn bảo, ai nhìn thấy các “ngài” chết trôi dạt vào bờ thì người đó sẽ rất may mắn, cả dân làng chài năm đó cũng rất may mắn. Ngư dân nếu thấy “ngài” chết trôi dạt trên biển thì sẽ vớt xác “ngài” cho lên đầu mũi tàu, cánh buồm được hạ lưng chừng để báo hiệu cho cả dân làng biết.
Ông kể, cả đời ông chỉ có duy nhất một lần nhìn thấy xác “ngài”. Hôm đó ông một mình bơi chiếc thúng ra eo biển Bàn Than để thả lưới, khoảng chừng một tiếng sau, ông cất mẻ lưới đầu tiên và thấy rất nặng. Hóa ra lưới ông đã quàng phải xác “ngài”. Ông báo cho dân làng biết, đưa “ngài” vào bờ, đám ma được tổ chức hai ngày hai đêm, có cả người bịt khăn tang…
Nỗi buồn của lão ngư
Ông Nguyên hào hứng kể, năm đó ông đi biển rất trúng, lúc nào cá cũng đầy thuyền. Năm nay đã 70 tuổi, ông Nguyên vẫn ra biển, ông chỉ bơi gần, đánh con cá, con tôm đưa về cho vợ ông ra chợ bán.
Ngày nào ông cũng ghé nghĩa trang các “ngài” để thăm nom và nhổ cỏ. Rồi ông chuyển giọng buồn buồn: “Lúc trước người dân xem trọng các ngài lắm, bây giờ thì bớt đi rồi”. nhưng giờ đây họ cũng không xem trọng lắm nữa rồi”. Trước đây đám ma các “ngài” được tổ chức cẩn trọng, linh thiêng lắm. Nay nếu dân làng có gặp thì cũng chỉ đưa vào chôn cất chứ không đình đám gì.
“Cứ mỗi lần có các “ngài” trôi dạt vào, nhìn người ta chôn cất mà lòng tui lại nhớ về những năm trước”, ông Nguyên rầu rầu, “mà răng các “ngài” dạt vào đây nhiều lắm. Chắc các “ngài” cũng thấy đây là nơi yên lành.
Nghĩa địa “ông ngài” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh vào năm 2007. Nhưng thời gian tới, toàn bộ xã Tam Hải sẽ được di dời đến thôn 5 xã Tam Hoà, nhường lại 600ha đất liền và 829ha mặt nước để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế có tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD với các dịch vụ như khu giải trí đặc biệt, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thời trang, trung tâm thương mại…
Chiều tàn trên biển Bàn Than, ánh nắng yếu ớt chiếu rọi xuống mặt biển khiến nơi đây yên ắng vô cùng. Nghĩa địa các “ngài” cũng lặng lẽ và tối mịt vì hàng phi lao che kín. Ông già Nguyên nghẹn ngào: “Không biết họ có di dời luôn phần mộ của các “ngài” nữa hay không. Dân bọn tui kính trọng các “ngài” lắm”.
Quang Nhật