Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng: Chính phủ nói không nhiều, Quốc hội bảo… tăng!
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nhận xét, Chính phủ báo cáo tham nhũng trong các cơ quan chức năng chống tham nhũng không nhiều, gây hậu quả không lớn. Còn theo nhận định của UB Tư pháp của Quốc hội, tham nhũng trong chính các cơ quan này diễn biến phức tạp, tăng so với 2018…
UB Tư pháp là cơ quan thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ. Cả 2 báo cáo này được đưa ra thảo luận tại nghị trường ngày 4/11.
Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng tăng?
Theo cơ quan thẩm tra thì tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
Dẫn chứng được nêu là vụ một số cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ; Vụ 5 cán bộ của Thanh tra nhà nước tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ.
Những nhận định này có sự khác biệt so với báo cáo của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhận xét, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy rằng tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua không nhiều, gây thiệt hại không lớn.
Đại biểu nêu quan điểm ngược lại, theo ông, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý.
UB Tư pháp thậm chí nhấn mạnh, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị, trước phản ánh của cử tri về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, các đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.
Đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của VKSND tối cao trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, VKSND tối cao tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các đơn vị này thực sự là cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm
Về đánh giá tình hình tham nhũng, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, UB Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm".
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, "tham nhũng vặt" hiện vẫn còn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi.
Đáng lưu ý, theo UB Tư pháp, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, "lợi ích nhóm", "sân sau" thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng "Nhà nước mua đắt, bán rẻ" các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.
Do đó, UB Tư pháp cho rằng, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế...
Phần kiến nghị, báo cáo thẩm tra điểm danh nhiều vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức "lợi ích nhóm", "sân sau": vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG, vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng Công ty gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...).
Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.
Phương Thảo