Tham nhũng ở Vinalines - chỉ là phần nổi của tảng băng chìm
(Dân trí) - “Một cán bộ dầu khí nhận định, hiện tượng Dương Chí Dũng, Vinalines không phải là cá biệt. Phần xã hội biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều những chuyện đã được phanh phui...” - ĐBQH Bùi Đặng Dũng phát biểu.
Chiều 29/10, Quốc hội dành thời gian để đại biểu thảo luận tại các đoàn về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) than vãn, không biết có phải do kinh tế khó khăn, khủng hoảng, tình trạng “cùng đường sinh đạo tặc” hay không mà tội phạm nổi lên phổ biến, nghiêm trọng, khó lường như vừa qua. Sức đấu tranh phòng chống của các cơ quan quản lý, theo đó, đã rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình, dù chưa bao giờ thấy sự ra quân mạnh, cương quyết như vậy nhưng thực tế diễn biến tội phạm rất phức tạp và cũng chưa bao giờ cảm giác lòng dân bất an như hiện nay.
“Trước chúng ta tự hào vì “ra ngõ gặp anh hùng” nhưng giờ cử tri nói “ra ngõ gặp tội phạm, kẻ cướp”. Mà thậm chí, không chỉ ra ngõ với gặp mà tội phạm hiện còn vào từng nhà, sờ từng người để trộm cắp, trấn lột, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, ngay cả những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện… đều có tội phạm cả” – đại biểu nhấn mạnh đó là vấn đề đáng buồn, đáng báo động, cần phải nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc.
Đại biểu dẫn nhiều ví dụ về những biểu hiện lộng hành của tội phạm như khách ngồi uống cà phê ở vỉa hè, đang cầm điện thoại mà bị kẻ cướp chém phăng cả tay để cướp chiếc điện thoại, trộm cắp len lỏi giữa sân chùa để móc túi người đang hành lễ, chỗ này có tin 5 phu trầm bị tước đi mạng sống, chỗ khác lại bác sĩ thẩm mỹ làm chết người, ném xác khách hàng xuống sông phi tang…
Chia sẻ mối lo nhà nước mải chạy theo những con số tăng trưởng kinh tế vì bối cảnh khó khăn mà quên mất các vấn đề xã hội, ông Dũng cảnh bảo: “có làm được 10 đồng mà con cái bị tội phạm tấn công thì tiền bạc kiếm được cũng vứt bỏ hết, không nghĩa lý gì”.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) nêu con số đáng giật mình, theo tổng kết của Bộ Công an, mỗi ngày cả nước có khoảng 100 vụ phạm tội giết người, xâm phạm thân thể, sức khỏe của chính những người trong phạm vi gia đình với nhau.
Thực tế, vi phạm pháp luật hầu như lĩnh vực nào cũng có, rất phổ biến. Nhìn lại con số 40 triệu trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trong 1 năm cũng có thể thấy mức độ vi phạm quy định phổ biến như nào. Hệ quả sau đó, đáng lo ngại hơn, theo ông Luật chính là việc bảo kê, bao che của các cấp chính quyền cho hoạt động vi phạm. Ở TPCHM, dịch vụ massage, karaoke trá hình diễn ra tràn lan chẳng lẽ chính quyền không biết? Vi phạm trật tự xây dựng khiến cùng lúc phải đập bỏ hàng trăm căn hộ xây dựng trái phép không lẽ chính quyền không hay?
“Việc người dân tự xử trộm chó, kéo đến vây kín những nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (ở Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ngãi) mà không báo chính quyền… là những biểu hiện mất niềm tin” – ông Luật lập luận.
Phó Chủ nhiệm UB tư pháp Nguyễn Đình Quyền (đại biểu Hà Nội) cho rằng muốn chặn sự gia tăng tội phạm, việc xử lý nghiêm, hình phạt nặng chưa đủ vì xử lý không phải là biện pháp tối ưu; như tội phạm ma túy, hình phạt tử hình vẫn quyết đều mà ma túy vẫn ngày càng phát triển.
Biện pháp tổng hợp đủ mạnh, theo ông Quyền phải là trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Từ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, ông Quyền cho rằng phi lý khi nói khó xác định trách nhiệm vì rõ ràng, về lĩnh vực y tế, cơ sở hành nghề thời gian dài không có giấy phép thì vai trò của Sở Y tế ở đâu, đã thanh tra, xử lý được gì, tại sao sau vụ việc mới rà soát các thẩm mỹ viện.
“Cần quy trách nhiệm cụ thể, Giám đốc Sở Y tế, Thanh tra Sở làm việc ra sao. Dư luận nghi vấn, một là năng lực quản lý yếu kém, hai là bảo kê, tiêu cực”- ông Quyền bức xúc.
Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế dân đang có biểu hiện mất lòng tin vào công lý để nghiêm túc nhìn lại công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng hiện nay.
Theo ông Thuyền, đã có nhiều giải pháp để phòng chống tham nhũng, nhưng chắc chỉ khi nào cán bộ tham nhũng biết xấu hổ thì mới chống được tham nhũng. Dựa và dân và xây dựng được cách thức khiến cán bộ tham nhũng phải biết xấu hổ là cách thức căn cơ ngoài các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa hiện nay.
“Tôi đề nghị Nhà nước phải làm mạnh giải pháp quản lý tài sản của cán bộ. Tài sản có nguồn gốc bất minh, có liên quan đến sai phạm của cán bộ cần được kê biên ngay lập tức. Nếu không được điều đó, cán bộ sẵn sàng chuyển hết tài sản cho con em, người thân” - đại biểu Thuyền nói. Ông Thuyền cũng chỉ rõ, mọi thanh toán trong xã hội cần phải qua tài khoản thì mới minh bạch được tài sản để chống tham nhũng.
Đại biểu Thuyền cũng tiếp tục đề xuất thành lập UB điều tra phòng chống tham nhũng độc lập, tập trung xử lý những cán bộ tham nhũng cấp cao, từ cấp sở trở lên. Chỉ khi làm được như vậy thì mới tác động đến được toàn hệ thống.
Đại biểu Bùi Đặng Dũng đánh giá, tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng thực tế rất… khủng khiếp qua việc thanh kiểm tra, chạm vào chỗ nào cũng có sai sót. Bên hàng lang Quốc hội trao đổi chuyện xảy ra tại Vinalines, hành vi rút ruột hàng triệu USD tiền nhà nước của Dương Chí Dũng, đại biểu kể, một cán bộ cấp cao ngành dầu khí còn nói thẳng, “hiện tượng Dương Chí Dũng, Vinalines, Vinashin không phải là cá biệt, phần xã hội biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những chuyện đã được phanh phui, đưa ra ánh sáng”.
Giật mình với nhận định này nhưng ông Dũng cũng “ngẫm lại” để thấy, riêng chuyện nộp thuế, rõ ràng các tập đoàn kinh tế lớn cũng đều có sai phạm, đều trốn thuế. Ông Dũng phân tích, những chuyện đó chứng tỏ luật pháp, quy định chưa nghiêm nên mỗi đồng tiền của nhà nước, mỗi đồng thuế của người dân giao vào tay các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được tiêu xài, sử dụng quá đơn giản, dễ dãi.
“Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi ghi nhận bà con rất đau vì không biết nhà nước còn quyết tâm chống tham nhũng không khi tinh thần, không khí có vẻ cứ đuối dần, nguội dần đi khi thấy nhiệm vụ có vẻ như khó làm quá mà chưa tìm được giải pháp làm thế nào cho căn cơ quyết liệt hơn” – đại biểu nhắc, nếu không làm quyết liệt 6 vụ án tham nhũng, kinh tế lớn vào cuối năm nay như kế hoạch báo cáo Quốc hội, niềm tin của người dân sẽ bị sói mòn.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Luật day dứt vì cơ quan thanh tra, kiểm tra mỗi năm tiến hành hàng trăm cuộc mà không phát hiện sai phạm tham nhũng. Ông Luật cho rằng, vấn đề nằm ở nghịch lý, hoạt động của thanh tra nhiều trường hợp gần như giúp hợp pháp hóa các sai phạm bộc lộ của đơn vị được thanh tra.
Viện dẫn quy định, ông Luật nêu rõ, đáng ra, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng khi thanh tra, cơ quan thanh tra cần gửi ngay báo cáo đến CQĐT (trong vòng 5 ngày) nhưng thực tế nhiều nơi không làm vậy. Thường trước đó, phát hiện vấn đề, thanh tra lại báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính địa phương (ví dụ Chủ tịch tỉnh) xin ý kiến, nếu được sự đồng ý mới gửi báo cáo tới CQĐT. Việc này, rõ ràng giúp hợp pháp hóa sai phạm.
P.Thảo