1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tham nhũng ở PMU18: Ngoài sự tưởng tượng của người soạn Luật

(Dân trí) - Luật Phòng chống tham nhũng vừa được ban hành nhưng trước những diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức tham nhũng mà điển hình là vụ PMU18 đã khiến một thành viên Ban soạn thảo, ông Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra thốt lên: Không thể tưởng tượng nổi!

Người được nhờ vả phải có chức vụ rất cao

Dư luận gần đây hết sức quan tâm đến vụ tham nhũng ở PMU18, nhất là khi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải bị bắt tạm giam. Là người tham gia Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, ông đánh giá gì?

Tôi thật sự bất ngờ. Những sự việc diễn ra ở PMU18 và Bộ GTVT là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những vụ tham nhũng càng về sau, càng lớn về giá trị tài sản, chức tước người tham gia và đặc biệt là sự móc nối.

Khi soạn thảo Dự luật, chúng tôi lo ngại nhất là sự móc nối trong - ngoài (DN nhà nước - DN tư nhân) làm thất thoát tiền bạc, tài sản. Bây giờ, sự nguy hại về tổn thất kinh tế không đáng sợ bằng việc tiếp tay, che chắn của những người có chức, có quyền. Ví dụ vụ chạy án ở PMU18 thì chạy ai? Đương nhiên, với chức vụ như thế, quyền lực như thế, người ta chỉ chạy lên cao hơn chứ ai chạy xuống dưới, chạy giật lùi.

Nghĩa là...?

Nghĩa là người được “chạy” đến nhờ vả chắc chắn phải là người có chức vụ, quyền hạn rất cao, có thể quyết định quyền lợi chính trị của các “ông lớn” này. Mà sự che chắn này sẽ tác động rất lớn đến công cuộc chống tham nhũng vì ai dám tố cáo khi mà người bị tố cáo không sao còn người tố cáo lại bị đe dọa, hành hung?

Tôi còn nghe nói, những “ông lớn” này còn được dự định giới thiệu vào những chức vụ cao hơn nữa thì thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Ông là thành viên của Ban soạn thảo Luật lại nói “không tưởng tượng” hết bộ mặt của tham nhũng liệu có thuyết phục?

Sự thực là như thế. Đây là vấn đề rất phức tạp. Luật pháp thường lạc hậu vì nó là ý thức xã hội nên thường đi sau thực tế đời sống. Tuy nhiên, trong Luật chống tham nhũng vừa qua, cũng có một số điểm mới như công khai, minh bạch tài sản chẳng hạn.

Không thể tác yêu tác quái nếu không có “bảo kê”

Có ý kiến cho rằng công tác xử lý của ta tương đối tốt nhưng việc phát hiện và đặc biệt ngăn chặn thì chưa hiệu quả. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

Đúng là chúng ta còn nhiều việc để làm. Về cơ chế hiện nay, một số người được giao quá nhiều quyền nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng. Ví dụ như đối với PMU18, nó không phải chủ đầu tư, cũng không phải doanh nghiệp. Đáng lý sau khi hoàn thành sứ mệnh của dự án quốc lộ 18 là giải thể. Thế nhưng nó cứ tồn tại dai dẳng để dựa vào cơ chế “mạnh ai nấy làm”.

Không có cơ chế, chẳng có chuẩn mực, ai “vận động” giỏi thì người đó được làm. Hậu quả là trao vào tay PMU18 khoảng 2 tỉ USD. Và sự móc nối lúc này không còn giới hạn trong – ngoài nữa mà nó tạo thành một vòng tròn khép kín.

Và từ đó, xuất hiện kiểu “công ty gia đình”?

Nó không còn dừng ở mức gia đình mà mở rộng tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Một số người có địa vị lợi dụng đưa con, em, người thân, cánh hẩu của mình vào những vị trí nhiều bổng lộc.

Ngay ở PMU18, dư luận là có một số là con em các vị có chức vụ, quyền hạn nên trở thành “lá bùa” che chắn để họ toàn quyền tác yêu, tác quái. Nếu không có sự “che chắn, bảo kê”, PMU18 sẽ không bứng được những dự án béo bở và các “VIP” ở đây cũng không thể vơ vét và sa đọa như báo chí nêu.

Tôi không mong điều đó xảy ra. Nhưng...!

Có sự cấu kết, móc nối. Có sự thanh trừng lẫn nhau... Theo ông, vụ tiêu cực ở PMU18 có phải là một dạng maphia kinh tế?

Tôi không biết áp dụng vào đây có đúng không nhưng chắc chắn là có hệ thống và có tổ chức. Mà hai điều này là đặc trưng cơ bản của maphia. Vì vậy, nếu gọi đây là maphia có thể chưa chính xác nhưng cũng không sai.

Nếu một ngày nào đó, chúng ta tiếp tục phát hiện những vụ lớn hơn có khiến ông ngạc nhiên?

Quả thật tôi không ngạc nhiên nữa dù vẫn rất xót xa. Mất tiền bạc, mất cán bộ, mất niềm tin thì làm sao không đau xót? Nhưng ngược lại khi đó, chắc cũng thanh thản vì thấy cái xấu, cái ác đã bị trừng trị. Và ở góc độ nào đó, chính việc làm này sẽ mang lại niềm tin của nhân dân.

Tôi không mong điều tệ hại này sẽ xảy ra ở những người có chức vụ cao hơn nhưng giả sử điều đó xảy ra thì cũng được an ủi bởi nó phản ánh quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Đang có một cuộc “cách mạng” chống tham nhũng

Có lần ông nói, tham nhũng đã trở thành “xã hội hoá”. Vậy phải chăng đã đến lúc cần phải có một cuộc “cách mạng” cho vấn đề này?

Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Cách mạng là tiêu diệt cái gì xấu, xây dựng cái gì tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập). Vì vậy, nếu như có một cuộc cách mạng cũng là điều cần thiết và thực tế, tôi thấy chúng ta đang làm cuộc cách mạng này.

Không đặt vấn đề chống hay không

Ngày Quốc hội họp bàn và thông qua Luật phòng chống tham nhũng, được truyền hình trực tiếp, tôi rất ngạc nhiên khi không nhìn thấy một nhà nào mở ti vi theo dõi. Phải chăng, người dân đã quá quen đến mức vô cảm trước tệ nạn này?

Có thể một bộ phận người dân thấy các phiên họp của Quốc hội chưa thật sự hiệu quả, nói là chính. Nhưng tôi nghĩ giống như trong bóng đá, chống tiêu cực là tốt nhưng để khán giả đến sân lại là chuyện khác, cần phải có thời gian.

Dù sao, đây cũng là dấu hiệu tích cực trong việc chống tham nhũng. Việc người dân có quan tâm hay không là do chúng ta làm có hiệu quả hay không. Khi đi lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho bản Dự thảo, có một vị tướng quân đội đã hỏi thẳng chúng tôi rằng không biết Đảng có thực lòng chống tham nhũng hay không?

Và các ông đã trả lời sao?

Đồng chí trưởng đoàn chúng tôi đã trả lời rằng bây giờ không còn là lúc muốn hay không muốn, làm hay không làm mà bắt buộc phải làm, dứt khoát phải làm. Đây là phản ứng của quần chúng nhân dân trước sự lan rộng của tệ nạn này.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm