1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Thăm những điểm giữ trẻ miễn phí mùa nước nổi

(Dân trí) - Lũ về, nhiều gia đình nghèo vất vả mưu sinh, không có thời gian chăm nom con cái. Bởi vậy đã xảy ra những cái chết thương tâm do trẻ té sông chết ngạt. Đau lòng trước vấn nạn này, nhiều điểm giữ trẻ miễn phí đã được hình thành ở rốn lũ An Phú.

Được sự chỉ dẫn của cán bộ xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang), chúng tôi đến nhà chị Huỳnh Thị Kim Liên, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội - một trong những điểm giữ trẻ miễn phí và hiệu quả nhất trong mùa lũ năm nay.

Chị Liên cho biết: “Điểm giữ trẻ đã hoạt động 3 tuần và hiện đang nhận giữ 30 trẻ từ 1 đến 8 tuổi. Buổi sáng cha mẹ các bé đưa tới đây rồi quay về mò cua, bắt ốc, hái bông điên điển, kiếm kế sinh nhai. Đến chiều cha mẹ các bé mới đón về. Nhiều cha mẹ trong xã vẫn còn chủ quan để con ở nhà rồi đi ra đồng nên nguy cơ các bé té sông đang rình rập”.

Chị Liên dẫn chứng, tháng trước ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, cháu Trần Văn Tính (3 tuổi) bị cha mẹ cho ở nhà một mình để lo đi hái bông điên điển về bán. Không may cháu Tính bị té sông chết ngạt.
Thăm những điểm giữ trẻ miễn phí mùa nước nổi - 1

Lũ về, các em không thể đến lớp. Ở nhà ba mẹ bận cũng không thể trông nom nên dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc

Tại điểm giữ trẻ ở xã Phú Hội có 3 “cô giáo” tình nguyện. Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ trông coi các em, các cô còn dạy các bé ca hát và tập đọc, tập viết. Cảm động nhất là khi biết bé nào không có phương tiện đến lớp, các cô sẵn sàng đến tận nơi để đón các em.

Chị Tô Thị Lan - cô giáo giữ trẻ ở đây - tâm sự: “Chúng tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên rất thông cảm cho những gia đình đơn chiếc khi có con nhỏ mà cha mẹ phải chạy lo cái ăn hằng ngày. Nghĩ vậy nên cứ đến mùa lũ là 3, 4 chị em trong xóm lại rủ nhau đến điểm giữ trẻ của chị Liên để chăm lo cho các bé”.

Mặc dù công việc mang tính “từ thiện”, tự nguyện song trước khi được “đứng lớp”, các chị đều phải tập huấn đầy đủ những kỹ năng, kiến thức giữ trẻ cơ bản như: tâm lý, cách chăm sóc trẻ, nấu ăn, dạy hát, ru ngủ… Bởi vậy khi chứng kiến các chị lên lớp, chẳng tài nào phân biệt đâu là cô giáo mầm non, đâu là “cô giáo mùa nước nổi”.

Chia tay với chị Liên, chúng tôi quá giang trên chiếc xuồng ba lá sang điểm giữ trẻ của cô Nguyễn Thị Tiết Liệt, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú.

Điểm giữ trẻ của chị Liệt chỉ là căn nhà sàn vách lá cách mặt nước lũ khoảng 1,5m. Phần bên trong nhà chưa đầy 20m2 là nơi vui chơi của 45 trẻ. Chị Liệt phấn khởi, nói: “Ở đây đang nhận giữ đến 45 trẻ. Các cháu đến đây không phải tốn thứ gì, toàn bộ chi phí do chính sách của tỉnh lo hết, mỗi ngày các em được hỗ trợ 5.000 đồng/suất cho 2 buổi ăn. Riêng việc nấu ăn cho các em thì chúng tôi luôn đặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu”.

Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liễu có đứa con 5 tuổi gửi tại điểm nhà chị Liệt, cảm kích: “Có điểm giữ trẻ này vợ chồng tôi yên tâm hơn khi lo công việc giăng câu, giăng lưới ngoài đồng, không còn phải gặp cảnh hồi hộp để con ở nhà một mình nữa. Gửi con ở đây giống như các bé đang học lớp mẫu giáo, về nhà con tôi biết hát, biết kể chuyện,... vui lắm!”.

Thăm những điểm giữ trẻ miễn phí mùa nước nổi - 2

Những điểm giữ trẻ miễn phí trong mùa lũ

Ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: Tại các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Trường, Phú Hội và Phú Hữu đang tổ chức 8 điểm giữ trẻ với  257 cháu. Ngoài ra huyện có 3 lớp dạy bơi lội cho trẻ trong độ tuổi từ 5-10 tuổi. Nhờ mô hình giữ trẻ mùa lũ này mà nhiều hộ gia đình nghèo có con em nhỏ thuận tiện hơn trong việc mưu sinh khi mùa lũ về.

Ông Khên còn cho biết thêm: Huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Đài truyền thanh huyện tuyên truyền vận động các hộ gia đình nghèo đưa con đến gửi ở các điểm giữ trẻ tập trung trong mùa lũ. Đồng thời phối hợp với các Trạm Y tế thường xuyên khám định kỳ, cấp thuốc và điều trị miễn phí cho trẻ trong thời gian điểm giữ trẻ hoạt động. Bên cạnh đó, vận động thêm các tổ chức để có phần hỗ trợ, nâng mức trợ cấp 700.000đồng/người/tháng cho các chị đang trông coi các cháu tại các điểm giữ trẻ, giúp các chị yên tâm công tác. 

Ngô Nguyễn