1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tham nhũng có thể bỏ tù, lãng phí thì… bó tay!

(Dân trí) - Lãng phí đã trở thành vấn nạn, bạn đồng hành với tiêu cực tham nhũng; tham nhũng còn có con người cụ thể, bỏ tù được, thu hồi được, còn lãng phí thì “vô cùng”, không định lượng nổi…

Rất nhiều cảnh báo, phân tích của đại biểu Quốc hội được đưa ra trong phiên thảo luận về dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Quốc hội ngày 18/6.
 
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, lãng phí hiện nay đã trở thành vấn nạn, là bạn đồng hành với tiêu cực tham nhũng, gây nhức nhối trong đời sống xã hội. Ông Hiền làm phép tính, với 865.000 tỷ đồng xây trụ sở làm việc , nhà công vụ và ô tô công, chi tiêu công 978.000 tỷ đồng tiền ngân sách/năm, vốn quản lý của hơn 3000 DNNN lên tới 5 triệu tỷ đồng, nếu cộng lại và “chiết” đi chỉ 5% giá trị khoản tiền này để tiết kiệm sẽ “dôi” ra được 350.000 tỷ đồng. Số tiền này đem giải quyết cho an sinh xã hội thì có thể xây dựng được có khoảng 35.000 căn nhà với giá trị 100 triệu đồng/căn.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nhận định, hiện trạng lãng phí ở Việt Nam nghiêm trọng không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị để “trị” lãng phí cũng như nhận thức của người đứng đầu, của cán bộ công chức và chế tài vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Lãng phí ghê gớm lắm. Tham nhũng có con người cụ thể, xét xử được, bỏ tù được, thu hồi được… còn lãng phí thì “vô cùng”, không định lượng nổi” – ông Kỳ nói.
 
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ: “Lãng phí là… vô cùng, không định lượng nổi”.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ: “Lãng phí là… vô cùng, không định lượng nổi”.

Dẫn chứng ví dụ cụ thể, đại biểu ta thán, có những hội nghị, Chính phủ triệu trên dưới 5 chức danh ở mỗi tỉnh trên cả nước tập trung về Hà Nội họp 1 ngày, thậm chí họp có một buổi. Đại biểu lắc đầu, không biết tính ra mỗi hội nghị như vậy chi phí hết bao nhiêu trong khi nếu sử dụng mạng trực tuyến họp thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền, quy ra có thể xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa, hỗ trợ bao nhiêu đối tượng chính sách. Biểu hiện lãng phí này, theo đại biểu, không chỉ ở cấp Chính phủ, bộ ngành trung ương mà ngay ở các tỉnh cũng vậy.

Ông Kỳ đề nghị luật phòng chống lãng phí cần xác định nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, quy định cụ thể từ việc sử dụng xăng xe, xe công, kinh phí hoạt động của cơ quan… để cấp trên “làm gương” cho cấp dưới. 

Về vấn đề lãng phí thời gian, nhân lực, ông Kỳ đề nghị, các cơ quan của Đảng, Chính phủ nên nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy và tổ chức, có thể nhập nhiều ban, nhiều hội thành một. Đại biểu lo lắng, bộ máy quản lý hiện phình ra quá lớn, thậm chí ở trung ương còn phình hơn phía dưới, “giống như cái nón để ngược”, nhiều công việc dồn hết cho xã, phường, thôn.

Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) lại chỉ ra hình thức lãng phí khác là trong quy hoạch. Việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư như gần như không có sự kiểm soát trong phạm vi quốc gia vừa qua gây ra lãng phí rất lớn về đất đai, tiền vốn. Ông Tân quy kết, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, gây hậu quả kép cho xã hội.

Trong khi đó, thực tế lại cho thấy việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn. Dẫn chứng chuyện UB Thường vụ Quốc hội vừa báo cáo kết quả cuộc giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 – 2012 ít ngày trước, ông Tân khái quát, xem xét số vốn lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng nhưng cũng không nêu được việc sử dụng nguồn tiền đó phần lãng phí là bao nhiêu, ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý những lãng phí đó thế nào…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lập luận, luật chống lãng phí hiện hành đã quy định về việc công khai hoạt động của cơ quan nhà nước như là một biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa lãng phí. Tuy nhiên, kẽ hở trong luật vẫn… vô số khi cho phép người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quyền lựa chọn một trong nhiều hình thức công khai quy định trong luật. Và lãnh đạo các đơn vị thường chỉ lựa chọn hình thức công khai dễ nhất là công khai tại cuộc họp của cơ quan.

Các thông tin công khai khi đó không đến được với các cơ quan dân cử, không đến được đông đảo quần chúng nhân dân - các chủ thể giám sát, dẫn đến việc công khai mang tính hình thức.

Ngoài ra, ông Cường cũng tỏ ý thất vọng vì chưa có quy định cụ thể về nội dung hoạt động nào, những tài liệu, thông tin nào cần phải công khai, thời gian, địa điểm công khai, cũng không đề cập đến xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu trong việc không công khai hoặc công khai không đúng quy định của pháp luật.

Tán thành phân tích này, đại biểu Lê Văn Tân đề xuất buộc người có chức trách phải công khai các lĩnh vực hoạt động, công khai các tài liệu không phải là mật lên trang thông tin điện tử, coi đây là hình thức bắt buộc. Ngoài ra mới quy định có thể sử dụng các hình thức khác như thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại cơ quan.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, để chống lãng phí có hiệu quả, một trong các điều kiện cần là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí đến mức nghiêm trọng thì phải “quy tội” chiếm đoạt tài sản công vì mục đích tư lợi, là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

P.Thảo