1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thăm làng buôn lá chuối ngày cuối năm

(Dân trí) - Nghề buôn lá chuối không phải là một nghề dễ làm giàu nhưng chính nó đã giúp cho cả trăm hộ gia đình ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vượt qua những thời kỳ khó khăn nhất của cuộc sống.

Thăm làng buôn lá chuối ngày cuối năm - 1

Cắt lá chuối.

Nghề về làng 

Những ngày áp Tết chúng tôi tìm về xã Hưng Long trong cơn mưa phùn và giá rét, đường xuống dốc đê trơn như muốn lật chúng tôi xuống lạch sông Lam. Xóm 12 nằm tách biệt bên kia đê Tả Lam. Nơi đây đã từng là trụ sở HTX nổi tiếng một thời bởi nghề đan lát mây tre đan xuất khẩu sang thị trường Liên Xô. 

Trong căn nhà mới xây năm ngoái, ông Nguyễn Văn Tân, “trùm” buôn lá chuối ở đây kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đã đưa ông và hàng trăm hộ dân trong xã, xóm đến với nghề này.

Thăm làng buôn lá chuối ngày cuối năm - 2
Rọc lá cũng là một nghệ thuật.

Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nghề đan lát nơi đây đang ăn nên làm ra bỗng nhiên mất thị trường. Vậy là hàng trăm con người hàng ngày chỉ biết gắn bó với sợi mây, sợi giang bỗng nhiên thất nghiệp. Vốn là những công nhân thủ công nên chẳng mấy nhà có ruộng mà cày cấy. Người làng tản mát khắp nơi tìm kế sinh nhai. Số còn lại có được một ít ruộng đất của ông cha thì đành quay về “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. 

Giữa lúc chưa biết làm gì để kiếm tiền đong gạo thì một người bà con ở TP Vinh về mách nước: “Ở thành phố họ đang cần lá chuối để gói giò, gói bánh”. Không việc làm, mấy thước ruộng không đủ cho mấy miệng ăn, bà Nguyễn Thị Thành vợ ông Tân, liền quang gánh, cầu liêm (dụng cụ cắt lá) đi cắt lá chuối đem bán. 

Ban đầu chỉ quanh quẩn trong mấy khu vườn ở làng. Thấy bà Hạnh kiếm được đồng ra đồng vào từ mấy bó lá chuối đáng chỉ cho trâu bò ăn, mấy người hàng xóm cũng bắt đầu “gia nhập” hội. Dần dần đội quân buôn lá tăng lên, nghề buôn lá chuối bắt đầu hình thành ở cái làng ven sông Lam này từ đó.

Hiện nay số người đi cắt lá chuối chiếm đến hơn 40% dân số của làng, xã. Người gắn bó với nghề lâu này cũng đã hơn 30 năm trời. 

Nhọc nhằn buôn lá chuối xanh

Không giống như những nghề khác, đi buôn lá chuối không phải ngồi ở nhà mà thuê người làm được mà phải “thân chinh” đi làm. Lá chuối được dùng để gói giò, gói bánh chưng, bánh tét... do đó phải chọn loại chuối sứ (hay còn gọi là chuối hạt), lá vừa to bản lại vừa dẻo, khi gói không bị rách, gẫy, khi nấu nhựa lá không chảy ra, không làm đen bánh, hỏng giò...

Thăm làng buôn lá chuối ngày cuối năm - 3
Lá chuối được bó lại vận chuyển cho khách. Những bó như thế này giao động từ 10-30kg/bó

Thời gian đầu người đi buôn còn ít, người dân trồng nhiều chuối để chăn nuôi nên lá còn kiếm. Nhưng khi chăn nuôi lợn bằng cám công nghiệp, trồng chuối sứ không cho thu nhập là bao nên họ dần phá hết. Bây giờ muốn có lá chuối người buôn phải lặn lội lên tận huyện Nam Đàn, huyện miền núi Thanh Chương rồi sang huyện Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh) để tìm hàng. Bởi vậy, người buôn lá chuối phải là người biết đánh giá ước chừng số lượng lá trong mỗi khu vườn, trả tiền cả vườn rồi tự vào mà cắt lá.

Nói là vất vả nhưng nghề buôn lá chuối cũng không cần nhiều vốn, lại không phải sắm đồ nghề. Chỉ cần dắt túi 100.000 đồng, một câu liêm, một dao cau để rọc lá là lên đường. “Ngày xưa chỉ đặt quang gánh lên vai, đầy gánh thì về nhưng giờ đi xa, hàng đặt nhiều nên phải đi bằng xe máy. Mỗi lần đi hai người, bởi vậy phải làm theo cái xe đẩy (loại xe cải tiến thu nhỏ) gắn vào sau xe máy để chở lá về”, anh Nguyễn Văn Trung (28 tuổi) người có thâm niên đi cắt lá gần 15 năm tâm sự.  

Anh Trung cho biết thêm, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm khoảng 1,5 tạ lá cho khách. Mỗi kg được 4.000 - 4.500 đồng. Tính ra hai vợ chồng cũng kiếm được 100 - 150.000 đồng/ngày. Như vậy, tính sơ sơ mỗi năm thu nhập từ nghề buôn lá chuối của hai vợ chồng anh Trung cũng ngót 50 triệu đồng. Số tiền này cũng là một khoản thu nhập đáng kể đối với một gia đình nông thôn lúc này. 

Cái nghề buôn lá chuối nghe có vẻ khỏe lắm, nhưng thực tế vất vả lắm. Khi mọi người đang ngủ thì họ ra đi hành nghề và tối mịt mới về nhà, có hôm đi cả trăm cây số. Đêm về lại ngồi còng lưng lựa lá ra từng loại, xếp từng bó nhỏ to, mỗi bó từ 1-10kg, 20kg... Bất kể là đông hay hè cứ 4 giờ sáng đã phải dậy để chuyển lá xuống thành phố cho người ta làm hàng - ông Nguyễn Văn Tân cho biết.  

Chìa bàn tay trái chi chít sẹo, bà Hạnh phân trần: “Rọc lá ra khỏi thân lá chệch tay một tý là như ri đây”. Hoá ra cái nghề tiếp xúc với những tàu lá chuối tưởng như rất mềm ấy lại cũng gây ra tai nạn nghề nghiệp như bất cứ loại nghề nào. Đứng dưới đất, nghển cổ lên tìm lá không khéo cả tàu lá chuối to, vát nhọn như lưỡi dao phi thẳng xuống người, xuống mặt chảy máu như chơi. Cũng bởi suốt ngày hết cắt, rọc lại xếp lá nên tay chân người buôn lá lúc nào dính đầy nhựa chuối. Quần áo cũng loang lổ đầy loại nhựa khó giặt ấy...

Thăm làng buôn lá chuối ngày cuối năm - 4
Chiếc xe máy được gắn thêm cái xe cải tiến phía sau để chở lá chuối

Bây giờ lá chuối được các cơ sở làm bánh chưng, nem, gói giò… đặt hàng theo từng tháng do vậy người buôn lá không phải lo “đầu ra”. Cũng bởi đã được đặt hàng nên họ cũng không có ngày nghỉ. Bất kể ngày đông giá rét, mưa phùn hay ngày hè nóng nực, bước chân của những người buôn lá cứ rong ruổi hết làng này qua làng khác, huyện này qua huyện khác, thậm chí còn vượt sang tỉnh bạn để "săn" lá chuối đẹp. 

Chuẩn bị câu liêm, xe cộ đi lấy lá, chị Hoàng Thị Việt phân trần: “Sắp Tết rồi, nhu cầu của các cơ cở sản xuất bánh, giò cao hơn trong khi mùa đông rét mướt chuối ra lá chậm nên nguồn hàng khó kiếm lắm. Có hôm phải đi hàng trăm cây số sang mãi các huyện ở tỉnh Hà Tĩnh mới có. Nhiều lúc lá hiếm quá cũng phải đi lấy lá chuối rừng nhưng lá chuối rừng khó gói nên cũng không được khách hàng ưa chuộng”. 

Từ cái nghề buôn lá chuối này, nhiều hộ gia đình đã dần thoát nghèo, có thể lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Căn nhà 4 gian của vợ chồng ông Tân bà Hạnh cũng được xây dựng bằng số tiền tích góp của gần 20 năm hành nghề buôn lá chuối. Xác định gắn bó với nghề đi lá này, anh Nguyễn Văn Trung lên kế hoạch: “Sắp tới mình sẽ xin đấu thầu đất của xã để mở trang trại trồng chuối sứ, chăn nuôi gia súc để có thể chủ động nguồn hàng cũng như cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi”.

Những ngày cuối năm, PV Dân trí có mặt tại làng buôn lá chuối xã Hưng Long, chứng kiến cảnh nhộn nhịp người ra người vào, hứa hẹn một cái Tết no ấm cho những người nông dân buôn lá chuối nơi đây... 

                                               Nguyễn Duy - Hoàng Lam