1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thảm họa Formosa: “Rạn san hô dưới đáy biển mỗi năm chỉ phục hồi 2-3cm”

(Dân trí) - “Môi trường nước biển đã tốt, nhưng hệ sinh thái là nơi cư trú của các hải sản thì phải có thời gian để phục hồi, phải tính nhiều chục năm. Như san hô chẳng hạn, nơi rạn san hô bị phá hủy thì mỗi năm chỉ phục hồi được 2-3cm, cho nên để khôi phục rạn san hô như cũ phải tính mấy chục năm” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, sau hơn 1 năm xảy ra sự cố Formosa, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế) đã cơ bản hồi phục, nước biển đã sạch, các hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, hoạt động du lịch,… đã dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo không cho ngư dân khai thác ở tầng đáy trong phạm vi 20 hải lý trở vào bờ tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung nói trên là để cho các rạn san hô cũng như hệ sinh thái dưới đáy biển từng bước được phục hồi.

San hô bị chết trắng tại rạn san hô Bãi Chuối (Thừa Thiên Huế) sau sự cố Formosa (Ảnh: Tiền Phong).
San hô bị chết trắng tại rạn san hô Bãi Chuối (Thừa Thiên Huế) sau sự cố Formosa (Ảnh: Tiền Phong).

Về khó khăn, thách thức tiếp theo, ông Tám cho biết, khó khăn lớn nhất là khôi phục môi trường biển thì đã làm được, biển đã sạch và cũng khôi phục được niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng thời gian tới, khó khăn lớn là làm sao giúp cho người dân làm tốt công tác an sinh xã hội cũng như ổn định và phục hồi sản xuất.

“Thách thức lớn là vấn đề phục hồi hệ sinh thái đáy biển và nguồn lợi hải sản gắn với hệ sinh thái này. Các rạn san hô, thảm cỏ biển cũng như một số hệ sinh thái là nơi cư trú cho các loài hải sản thì vừa rồi bị ảnh hưởng. Cho nên để khôi phục lại nguồn lợi hải sản thì trước hết phải khôi phục hệ sinh thái, phải tính đến nhiều chục năm. Như rạn san hô bị phá hủy thì mỗi năm nó phục hồi chỉ được 2-3cm, cho nên để khôi phục rạn san hô như cũ phải tính mấy chục năm” – ông Tám cho biết.

Ông Tám cho biết, sự cố Formosa là bài học xương máu không phải chỉ cho 4 tỉnh miền Trung và không phải chỉ đối với biển mà đối với tất cả các dự án khác đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo ông Tám, để mà khôi phục sản xuất, an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 12. Đây là một đề án tổng thể để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và an sinh xã hội. Trong đó ghi rất rõ những chính sách để làm sao mà ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và an sinh xã hội. Tại quyết định số 12 có chính sách hỗ trợ 100% về học phí 2 năm cho học sinh từ mẫu giáo trở lên cho tất cả ngư dân các xã ven biển bị ảnh hưởng; hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế trong 2 năm cho người dân…

Ngoài ra, Chính phủ còn có chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp để chuyển đổi nghề. Nếu như người dân không tiếp tục khai thác cá tầng đáy thì có thể chuyển nghề sang khai thác cá tầng nổi hoặc chuyển từ khai thác sang nuôi trồng, chuyển từ làm nghề biển lên bờ để chăn nuôi, trồng trọt thì đều có chính sách vay vốn và hỗ trợ lãi suất để người dân chuyển đổi.

Người dân khu vực trên còn được hưởng chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng như xuất khẩu lao động ưu tiên cho những lao động thuộc các bộ ven biển bị ảnh hưởng.

Ông Tám thông tin thêm, Chính phủ sẽ giao cho các Bộ để triển khai 2 dự án quan trọng, một dự án là xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường biển để không phải chỉ có khu vực Formosa Hà Tĩnh, mà tất cả 4 tỉnh ven biển đều có hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường biển để cảnh báo môi trường biển; Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT triển khai Dự án khôi phục hệ sinh thái cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Dương