1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 1 năm sau sự cố Formosa, biển miền Trung đã phục hồi như thế nào?

(Dân trí) - Nhìn chung, sau hơn 1 năm, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa đã phục hồi và có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, tầng đáy chưa được cho phép khai thác, nguồn lợi thủy sản ven bờ vẫn chưa phục hồi được như trước.

Giữa tháng 3/2017, một ngư dân ở Quảng Trị đã trúng mẻ cá khủng 150 tấn (Ảnh: Đăng Đức).
Giữa tháng 3/2017, một ngư dân ở Quảng Trị đã trúng mẻ cá "khủng" 150 tấn (Ảnh: Đăng Đức).

Đó là một trong những thông tin mà ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khi nói về công tác khôi phục lại các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển liên quan đến Formosa.

Ông Tám cho biết, sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển nói trên, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực vào cuộc để khắc phục hậu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố biển ở khu vực nói trên đã sạch, các hoạt động khai thác, nuôi trồng, hoạt động du lịch… của người dân đã trở lại bình thường.

Thực tế, ông Tám cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cũng đã kiểm tra tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung và thấy rằng khai thác thủy sản người dân đã khôi phục, nhất là khai thác xa bờ đã khôi phục được 70-80%, còn khai thác gần bờ có kém hơn một chút. Khai thác ở tầng đáy hiện nay chưa được phép, chủ yếu khai thác cá tầng nổi.

Ông Vũ Văn Tám thông tin thêm, một điều rất mừng là người dân hiện nay đã khôi phục được sản lượng kém so với cùng kỳ không nhiều (khoảng 8,8%). Những sản phẩm người dân khai thác được rất tươi ngon và khai thác đến đâu thì có thể tiêu thụ hết đến đó. Tháng 3 vừa qua là mùa khai thác rất thành công của ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Đặc biệt ở Quảng Trị có một ngư dân khai thác một mẻ lưới trên 150 tấn hải sản, đã tác động rất mạnh đến niềm tin của ngư dân.

Về vấn đề nuôi trồng, theo ông Tám, hiện nay đã khôi phục gần như toàn bộ, chỉ có Hà Tĩnh, Quảng Bình nuôi kém so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nuôi trồng đã khôi phục. Sản lượng nuôi trồng của 4 tỉnh nói trên tương tự như năm 2016, tức là đã khôi phục được hoàn toàn.

Riêng khâu chế biến khôi phục chậm hơn nuôi trồng và khai thác. Nhưng hiện nay sản phẩm tồn kho đã được phân loại: Những sản phẩm không đảm bảo an toàn được tiêu hủy; sản phẩm an toàn từng bước được tiêu thụ. Những sản phẩm mới khai thác, tươi sống thì khai thác đến đâu hết đến đó.

“Chúng tôi cũng đảm bảo hải sản ở tầng đáy sẽ tiếp tục chưa cho khai thác đến hết 6 tháng đầu năm 2017. Hiện nay Bộ NN&PTNT đang điều lực lượng Kiểm ngư của Trung ương vào để giúp các địa phương hướng dẫn và khuyến cáo ngư dân không khai thác cá tầng đáy. Từ đó giúp người tiêu dùng yên tâm hoàn toàn về chất lượng hải sản Việt Nam” – ông Tám nói.

Ông Tám cho biết thêm, sở dĩ không cho khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bờ tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung là để giúp các rạn san hô cũng như hệ sinh thái biển từng bước được phục hồi.

Nguyễn Dương