1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thăm đất hương trầm ngày cận Tết

(Dân trí) - Thị trấn Quỳ Châu (Nghệ An) những ngày giáp Tết, dù trời lạnh, vẫn nồng ấm mùi hương trầm lẫn trong không khí. Đã từ lâu, hương trầm là “món đặc sản” không thể thiếu của Quỳ Châu.

Chuyến xe khởi hành lúc 5 giờ sáng, cái lạnh như cắt vào da thịt. Vừa chạm ngõ thị trấn Quỳ Châu, mùi hương trầm lẫn trong không khí gợi một không gian tết đầm ấm.

Thăm đất hương trầm ngày cận Tết - 1

Cây hương rừng được nhiều người dân Nghệ An nhân giống trồng.
 
Thăm đất hương trầm ngày cận Tết - 2

Rễ hương được phơi khô như thế này.

Nhà nhà, người người bên bàn đang khẩn trương xe (quấn) hương; vội vã cho những chuyến hàng tết chuyển ra Bắc. Nghề làm hương ở Quỳ Châu đã có từ 30-40 năm trước với một bí quyết rất riêng, khiến nén hương trầm có một mùi thơm ấm áp, quen thuộc mà không ở đâu có được. Hương trầm Quỳ Châu vì thế đã trở nên nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc hàng chục năm nay.

Thăm đất hương trầm ngày cận Tết - 3

Công đoạn xe hương rất đơn giản, nhưng cũng là một bí quyết của người làm hương trầm ở huyện miền núi Quỳ Châu

Hương được se chặt bằng giấy bản, có loại đặc biệt dài tới 1m, loại thông dụng dài 50cm... Tùy từng loại mà có giá bán khác nhau. Hương ở đây thắp cháy đượm, khói mỏng, có mùi thơm ngọt, tàn hương uốn cong tuyệt đẹp. Bao lâu nay, nhiều người khắp các tỉnh đã có thói quen về tận Quỳ Châu hoặc nhờ người quen mua giúp những nén hương trầm Quỳ Châu để làm quà biếu hoặc thắp bàn thờ gia tiên dịp tết.
 
Để có những búp hương trầm thơm ngát mang “hiệu” Quỳ Châu, những người làm hương phải cầu kỳ chọn lựa nguyên liệu rất kỹ càng. Bắt đầu từ mùa hè, họ đã đi khắp vùng trong và ngoài huyện để đặt mua rễ cây hương bài. Rễ hương rừng, một loại cây thuộc loài thảo mộc, lá dài xanh ngắt thường mọc thành từng bụi, từng đám lớn trong rừng sâu, ven khe suối hay trên sườn đồi dưới những tán lá rậm ẩm mát để làm nguyên liệu chính. Với bộ rễ chùm dày, đưa về phơi khô nghiền nát thành bột và có mùi thơm dịu.
 
Thăm đất hương trầm ngày cận Tết - 4

Sản phẩm hương trầm Quỳ Châu được đóng gói chuẩn bị xuất ra thị trường

Rễ cây hương bài có nhiều ở vùng rừng núi xứ Nghệ, nhưng để lấy được nó cũng không đơn giản. Có khi phải băng rừng, vượt suối hàng tháng trời mới lấy được vài kg rễ phơi khô. Ngoài rễ cây hương bài, trong nguyên liệu làm hương trầm còn có thảo quả, hoa hồi, quế chi (hoặc bột quế khô), trầm xô, bã mía và một vài thứ đặc biệt được giữ kín khác; trong đó có thảo quả là phải nhập về từ một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Cao Bằng…
 
Khi đã có đủ “vị”, nguyên liệu được đem phơi khô (được nắng) rồi xay nghiền thành bột mịn, trộn đều với nhau theo một công thức tỷ lệ nhất định thành bột hương. Người ta dùng giang hay dùng cây lùng (thuộc họ giang, nứa) có sẵn ở vùng này, chẻ nhỏ làm “chu” (hay còn gọi là que). “Chu” được phơi sương phơi nắng theo một kỹ thuật riêng, làm sao để “chu” khô ải mà không giòn, khó gãy. Tất cả bí quyết trên quyết định cho một búp hương cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, uốn cong tuyệt đẹp mà không rơi rụng.

Việc chuẩn bị “chu” làm hương được hoàn tất từ nhiều tháng trước, phơi khô nhuộm phẩm đỏ phần gốc. Mỗi mùa làm hương trầm phải có đến hàng triệu thanh “chu” được chuẩn bị sẵn.

Người ta se hương trên một chiếc bàn gỗ nhỏ cùng với các nguyên liệu giấy bản, “chu”, hồ dính và bột hương nguyên liệu. Một người thợ thành thạo mỗi ngày xe được từ 1.500-2.000 búp hương trầm đúng tiêu chuẩn.

Người Quỳ Châu làm hương suốt cả năm, nhưng tập trung nhất là dịp cận Tết Nguyên đán. Chị Vi Thị Bình - chuyên làm hương trầm ở thị trấn Quỳ Châu cho biết, với hai vợ chồng làm chính, ngoài ra còn có các con tranh thủ lúc rảnh rỗi cũng làm giúp bố mẹ. Hương trầm của gia đình chị làm đến đâu bán hết đến đấy, mỗi vụ sau khi trừ mọi khoản chi phí vốn liếng, cũng lãi từ 15 - 20 triệu đồng.

Thăm đất hương trầm ngày cận Tết - 5

Năm hết Tết đến hầu hết các gia đình ở huyện miền núi Quỳ Châu chỉ có sản phẩm hương trầm là đặc trưng nhất

Cũng theo chị Bình, nhiều gia đình ở đây phất lên nhờ những nén hương trầm nhỏ bé. Đến nay cả huyện miền núi Quỳ Châu này có khoảng từ 25-30 hộ có bí quyết làm hương trầm tiêu chuẩn, đổ ra thị trường là hàng trăm ngàn búp hương mỗi ngày.

Hàng năm vào dịp áp Tết Nguyên đán, hương trầm Quỳ Châu lại theo những chuyến xe toả đi khắp nơi. Và như một “đặc sản” tiêu biểu, trong gói quà Xuân cho người thân ở xa, thậm chí cả những người Việt xa tổ quốc, Tết đến cũng mong muốn có một búp hương trầm Quỳ Châu làm ấm bàn thờ gia tiên.

Nguyễn Phê