1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Thách thức cho “ngôi sao đang lên”

Dự kiến vào tháng 1 năm tới, tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới <i>The Economist</i> sẽ phối hợp với một số cơ quan chính phủ tổ chức hội nghị quốc tế mang tên “Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á”. Một sự kiện như vậy cho thấy giới doanh nhân quốc tế đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Hội nghị này sẽ thu hút sự tham dự của khoảng 250 tập đoàn đa quốc gia như Boeing, BP, General Electrics…

 

Nhưng đây chỉ là một trong hàng loạt những sự kiện tương tự mà Việt Nam đang cố gắng tổ chức để trưng mình ra với thế giới. Rõ ràng, Việt Nam đang ngây ngất với làn sóng đầu tư thứ hai kể từ khi những dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên được cấp phép cách đây 20 năm. Làn sóng này đã bắt đầu từ cuối năm ngoái, trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

 

“Chúng ta đang trong một thời điểm mà có nằm mơ trước đây cũng không thấy”, ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận. Chỉ trong vòng vài tháng qua, cục Đầu tư nước ngoài đã liên tục phải điều chỉnh dự báo về thu hút vốn FDI cho năm 2007, mà con số cuối cùng cũng chưa chắc đúng. Đây là điều chưa từng có kể từ khi luật Đầu tư nước ngoài được thông qua lần đầu tiên năm 1987.

 

Trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được 15,03 tỉ USD vốn đầu tư FDI, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Vốn đầu tư cấp mới tiếp tục tập trung trong lĩnh vực công nghiệp với số vốn đăng ký 7,55 tỉ USD (chiếm 56,4% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ, với số vốn đăng ký 5,65 tỉ USD (chiếm 42,2%).

 

Ngoài ra, hiện đang có khoảng 50 dự án với tổng vốn lên tới trên 50 tỉ USD đang được xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

“Việt Nam đang làm quá tốt để thu hút FDI, nhất là trong năm đầu tiên gia nhập WTO. Tôi nghĩ, vốn FDI của Việt Nam ước đạt mức 16 tỉ trong năm nay sẽ gấp 2,5 lần so với Malaysia”, ông Lai Voon Hon, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn quản lý phát triển Ireka của Malaysia nhận định. “Chúng tôi thấy Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Ireka đã lựa chọn đúng khi đầu tư vào Việt Nam”.

 

Trong khi đó, Đình Vũ - khu công nghiệp nằm trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm phía bắc Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh đang nỗ lực trở thành trung tâm của các nhà sản xuất thép, thức ăn gia súc và các kho chứa dầu, khí đốt tự nhiên. “Ưu thế riêng của Việt Nam là vị trí địa lý mang tính chiến lược, nền chính trị ổn định, hệ thống chính sách và môi trường kinh doanh không ngừng hoàn thiện”, ông Carlos Nascimento, phó tổng giám đốc công ty liên doanh phát triển Đình Vũ nhận định.

 

Hiện tại, Việt Nam không thiếu các dự án chờ được đầu tư nhưng làm cách nào để hiện thực hoá các dự án là điều đáng phải quan tâm. Hai điểm yếu kém nổi bật là hạ tầng và nguồn nhân lực luôn làm các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Ông Thắng đã thừa nhận rằng, với những gì đang diễn ra, thì Việt Nam chỉ có thể hấp thụ 1/3 của 50 tỉ USD đang xếp hàng chờ cấp phép. Rõ ràng, “ngôi sao đang lên” Việt Nam vẫn đang còn nhiều thách thức.

 

Theo Tư Giang

Sài Gòn Tiếp Thị